11:24 30/11/2021

Giá cổ phiếu tăng, Dragon Capital quay trở lại làm cổ đông lớn của KBC

Hà Anh

Nhóm quỹ Dragon Capital - trong đó, CTBC Vietnam Equity Fund thông báo đã mua vào 1 triệu cổ phiếu KBC vào ngày 25/11.

Sơ đồ giá cổ phiếu KBC từ đầu năm đến nay.
Sơ đồ giá cổ phiếu KBC từ đầu năm đến nay.

Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc – Công ty Cổ phần (mã KBC-HOSE) vừa báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn của KBC.

Cụ thể: nhóm quỹ Dragon Capital - trong đó, CTBC Vietnam Equity Fund thông báo đã mua vào 1 triệu cổ phiếu KBC vào ngày 25/11.

Qua đó, nâng số lượng cổ phiếu của nhóm Dragon Capital tại KBC nâng lên từ hơn 34 triệu cổ phiếu, chiếm 5,9% lên hơn 35 triệu cổ phiếu, chiếm 6,1%.

Trên thị trường, sau khi đạt mức gia cao nhất trong 52 tuần qua là 53.800 đồng/cp (chốt phiên 15/11), giá cổ phiếu KBC đang giao dịch ở mức 48.600 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 29/11) và tạm tính theo mức giá này, nhóm quỹ Dragon Capital đã chi khoảng 48,6 tỷ đồng sở hữu thêm cổ phiếu KBC.

Trước đó, trong một thời gian ngắn, nhóm Dragon Capital đã liên tục mua vào và bán ra cổ phiếu KBC. Cụ thể: vào ngày 9/11/2021, quỹ này mua vào 1 triệu phiếu, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 27,7 triệu cổ phiếu, chiếm 4,8% lên 28,7 triệu cổ phiếu, chiếm 5,04%. Đến ngày 11/11, nhóm quỹ này bán ra 500.000 cổ phiếu KBC nhằm giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,95% vốn và đến ngày 16/11, nhóm quỹ này lại mua vào tổng cộng 600.000 cổ phiếu KBC và nâng tỷ lệ nắm giữ lên 28,83 triệu cổ phiếu, chiếm 5,06%.

Trong báo cáo mới nhất về KBC, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã có điều chỉnh khuyến nghị của (KBC) từ "mua vào" xuống thành "khả quan" mặc dù đã nâng giá mục tiêu thêm 19% lên 56.900 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu của KBC đã tăng 36% trong 3 tháng qua.

VCSC cho biết, giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu là do phát hành riêng lẻ thành công 100 triệu cổ phiếu với giá 34.096 đồng/cổ phiếu vào tháng 10/2021 so với giả định trước đó của chúng tôi là 30.000 đồng/cổ phiếu, ngoài ra, tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến cuối năm 2022 và dự báo của chúng tôi về giá bán trung bình (ASP) cao hơn cho KĐT Tràng Cát tại Hải Phòng.

Đồng thời, VCSC điều chỉnh giảm 29% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021, chủ yếu là kéo dài giả định về việc bắt đầu ghi nhận doanh số bán đất KĐT cho KĐT Phúc Ninh đến năm 2022 so với dự báo trước đó là 2021. Điều chỉnh của chúng tôi chủ yếu phản ánh việc phê duyệt bị trì hoãn đối với việc xác định tiền sử dụng đất của dự án KĐT này.

Mặt khác, trong giai đoạn 2022-2025, chúng tôi nâng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số lên 5,5% để phản ánh giả định giá bán trung bình cao hơn của chúng tôi đối với KĐT Tràng Cát và giả định kéo dài của chúng tôi về việc bắt đầu ghi nhận bán đất tại KĐT Phúc Ninh. Ngoài ra, VCSC dự báo doanh thu năm 2021 sẽ đạt 5,2 nghìn tỷ đồng (+142% YoY) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số là 1,1 nghìn tỷ đồng (+386% YoY), chủ yếu nhờ vào việc bán 157 ha đất KCN (+165% YoY) và 5,0 đất KĐT (+108% YoY).

Đối với năm 2022, chúng tôi dự báo doanh thu sẽ đạt 6,6 nghìn tỷ đồng (+27% YoY) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2,2 nghìn tỷ đồng (+98% YoY), mà chúng tôi kỳ vọng chủ yếu nhờ bán đất từ các KĐT Tràng Cát và Phúc Ninh, lần lượt chiếm 31% và 26% dự báo LNTT cả năm của chúng tôi.

VCSC cho biết, KBC là công ty hưởng lợi lớn từ sự chuyển dịch cơ cấu của ngành sản xuất toàn cầu sang Việt Nam và có thành tích thu hút các khách thuê lớn như LG, Foxconn, Luxshare, Canon và GoerTek. Ngoài ra, KBC đã gia tăng đầu tư phát triển KĐT khi nhắm đến mục tiêu công nghiệp hóa và đô thị hóa đang gia tăng xung quanh các cụm công nghiệp ở phía Bắc.

Đồng thời, rủi ro đối với quan điểm tích cực của VCSC là việc trì hoãn triển khai các dự án mới và/hoặc trì hoãn đầu tư từ các khách hàng tiềm năng và biến động vốn lưu động liên quan đến các lĩnh vực kinh doanh ngoài cốt lõi.