Giá cổ phiếu Techcombank đang "rẻ hơn" trong so sánh ngành?
Đà giảm mạnh đưa giá cổ phiếu Techcombank về vùng trũng trong so sánh ngành
Kết thúc phiên giao dịch 6/6, giá cổ phiếu TCB của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chỉ còn 92.000 đồng, từ mức 128.000 đồng tham chiếu cho phiên giao dịch đầu tiên ngày 4/6 vừa qua.
Về "cảm quan", những mức giá trên có thể tạo cảm giác "đắt" khi gấp đôi đến gấp ba lần so với thị giá đang giao dịch trên sàn của nhiều cổ phiếu ngân hàng hàng đầu như VCB của Ngân hàng Ngoại thương, VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, ACB của Ngân hàng Á Châu…
Cùng đó, hoạt động chốt lời mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước thể hiện ngay những phiên giao dịch đầu tiên, khi cổ phiếu TCB đã tạo được lợi nhuận lớn so với các vùng giá gom mua trên thị trường tự do (OTC) khoảng một năm trước.
Trong khi đó, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại TCB tới đây đang là ẩn số tác động. Theo thông tin tại buổi giới thiệu niêm yết, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Techcombank hiện 22,5%, tức vẫn còn hở "room" 7,5%. Việc niêm yết trên sàn là điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài có thể bắt đầu giao dịch thuận lợi hơn.
Còn sau ba phiên đầu tiên, mức giảm mạnh đang đưa giá cổ phiếu TCB về vùng trũng hấp dẫn so với các cổ phiếu cùng ngành đang niêm yết, thậm chí "rẻ hơn" nếu xét đơn thuần theo các chỉ số cơ bản.
Có thể dựa vào nhiều phương pháp khác nhau để định giá cổ phiếu. Mỗi ngành kinh doanh lại có một số phương pháp định giá doanh nghiệp khác nhau. Đối với ngành ngân hàng, các phương pháp định giá cổ phiếu được áp dụng rộng rãi gồm có: giá cổ phiếu/giá trị sổ sách (P/B) kết hợp với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và giá trên thu nhập một cổ phần (PER hoặc P/E).
Các chỉ số này được sử dụng để so sánh Techcombank với các ngân hàng khác trong nước, trong khu vực Đông Nam Á cũng như các ngân hàng Ấn Độ, được các quý đầu tư sử dụng trong đợt chào bán vừa qua.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Techcombank bên lề buổi giới thiệu niêm yết, các chỉ số định giá đó của Techcombank đều nằm ở mức tốt khi được so sánh với các ngân hàng khác tại thị trường Việt Nam, Đông Nam Á và Ấn Độ. Và đây cũng là lý do để họ chào bán thành công với mức giá 128.000 đồng/cổ phiếu trong đợt chào bán nói trên.
Nếu nhìn vào phương pháp định giá cơ bản nhất là giá trên thu nhập một cổ phần (P/E) để xem xét số tiền mà các nhà đầu tư sẵn sàng trả cho một đồng thu được từ lợi nhuận của ngân hàng, thì cổ phiếu TCB đang giao dịch ở mức P/E từ 11.x đến 13.x.
P/E thường được sử dụng như một chỉ báo "đắt" hoặc "rẻ" của giá cổ phiếu. P/E càng cao, giá cổ phiếu đó càng trở nên "đắt", và ngược lại. Khoảng P/E từ 11.x đến 13.x của TCB đang ở vùng trũng trong so sánh ngành; nhiều cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đang giao dịch trên sàn niêm yết cao hơn, từ hơn 15 đến trên 20.
Trong khi đó, với kết quả năm 2017, Techcombank đạt tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) cao nhất (cả hai chỉ số này đều được sử dụng thường xuyên để đánh giá kết quả tài chính của một ngân hàng) trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam; đồng thời Techcombank nằm trong top đầu các ngân hàng có tỷ lệ thu nhập phí ròng cao nhất, chỉ xếp sau Sacombank (STB) và tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cao nhất là 45% (điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng có nguồn thu nhập chất lượng tốt, an toàn hơn so với lãi lệ thuộc nhiều vào tín dụng mà tiềm ẩn rủi ro).
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Techcombank cũng đạt mức cao khi được so sánh với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực (Techcombank là 119%, cao hơn Vietcombank là 61,3% và cao hơn các ngân hàng được đánh giá cao tại Ấn Độ như KOTAK là 42,2% và HDFC là 17,9%).
Nếu xét theo các chỉ số cơ bản trên, giá cổ phiếu TCB đang lùi về vùng trũng hấp dẫn trong tương quan so sánh ngành. Nhưng, kể từ sau chào sàn, giá TCB có thể cần thời gian để hấp thụ, cân bằng áp lực chốt lời của nguồn cung gom mua giá thấp trên OTC trước đây.