Giá dầu hướng tới quý 1 tăng mạnh nhất từ năm 2009
Bank of America dự báo giá dầu sẽ tăng trong ngắn hạn, với giá dầu Brent đạt trung bình 74 USD/thùng trong quý 2
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu nhờ việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela. Thị trường dầu thô đang trên đà có quý đầu năm tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2009.
Theo Reuters, giá dầu WTI tại thị trường New York có lúc tăng 0,4% đạt 59,56 USD/thùng, chuẩn bị có tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp và kết thúc quý 1/2019 với mức tăng 31%. Giá dầu Brent tăng 0,4% lên 68,12 USD/thùng, sắp đạt mức tăng 1,7% trong tuần này và 27% cả quý. Cả hai loại dầu đều đang trên đà có quý 1 tăng giá mạnh nhất từ năm 2009 (có mức tăng khoảng 40%).
Từ đầu năm 2019, giá dầu tăng đáng kể nhờ việc OPEC và đồng minh gồm Nga - được gọi là OPEC+ giảm sản lượng về 1,2 triệu thùng/ngày.
"Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ là động lực chính cho giá dầu phục hồi, từ mức giảm 38% trong quý cuối năm 2018", Ole Hansen, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, nhận định.
Ngày hôm qua (28/3), Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng kêu gọi OPEC tăng sản lượng để hạ giá dầu. "Rất cần OPEC tăng sản lượng dầu. Thị trường thế giới đang rất mong manh và giá dầu đang tăng quá cao. Xin cảm ơn", ông Trump viết trong một đăng tải trên mạng Twitter.
Các nước OPEC+ dự kiến sẽ họp vào tháng 6 để thảo luận về việc có tiếp tục hạn chế sản lượng dầu hay không. Trong khi thành viên OPEC Saudi Arabia ủng hộ việc giảm sản lượng dầu trong cả năm 2019, thì Nga - quốc gia duy nhất miễn cưỡng tham gia cam kết trên, được cho là không muốn tiếp tục việc này sau tháng 9 năm nay.
Tuy vậy, theo các nhà phân tích, việc hạn chế sản lượng của OPEC+ không phải là nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng trong năm nay. Lệnh cấm vận của Mỹ đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ là Iran và Venezuela cũng đóng góp vào đà tăng này.
Dù giá dầu tăng, các nhà phân tích cũng bày tỏ quan ngại về nhu cầu dầu mỏ trong thời gian tới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và có thể rơi vào suy thoái.
Chuyên gia Hansen của Saxo Bank nhận định "rủi ro ngắn hạn lớn nhất trên thị trường dầu mỏ có lẽ là bị ảnh hưởng với sự suy yếu của thị trường chứng khoán". Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán trải qua nhiều biến động trước những dấu hiệu suy giảm mạnh trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
"Niềm tin của doanh nghiệp đã suy yếu vài tháng gần đây, và Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất có xu hướng thu hẹp", ngân hàng Bank of America Merrill Lynch cho biết trong một báo cáo, nhưng cũng nói thêm rằng "lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Tuy vậy, với việc OPEC+ giảm sản lượng, Bank of America dự báo giá dầu sẽ tăng trong ngắn hạn, với giá dầu Brent đạt trung bình 74 USD/thùng trong quý 2. Ngân hàng này cũng cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm 2020.