Giá dầu tăng 4 tuần liên tiếp vì triển vọng cầu lớn hơn cung
Dầu đang ở trong xu hướng tăng giá nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu khỏi đại dịch và những dự báo cho rằng nguồn cung dầu có thể không tăng kịp nhu cầu...
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (18/6), hoàn tất tuần tăng thứ tư liên tiếp, sau khi nguồn tin từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tiết lộ rằng khối này dự báo sản lượng dầu năm 2021 của Mỹ sẽ không tăng nhiều.
Nguồn tin nói với Reuters rằng các quan chức OPEC đưa ra nhận định về sản lượng dầu của Mỹ dựa trên sự tư vấn của các chuyên gia trong ngành. Với tốc độ tăng hạn chế của nguồn cung dầu từ Mỹ, OPEC sẽ có sức mạnh lớn hơn trong việc kiểm soát thị trường trong năm nay, trước khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể tăng mạnh hơn trong năm 2022.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,43 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, đạt 73,51 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,6 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, đạt 71,64 USD/thùng.
Cả hai loại dầu cùng tăng khoảng 1,1% trong tuần này, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp. Trong tuần trước, dầu Brent tăng 1% và dầu WTI tăng 1,9%.
“Giá dầu tăng vì OPEC cho rằng sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng không nhiều tới mức để OPEC phải vào cuộc hỗ trợ giá dầu”, nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định.
Phiên ngày thứ Tư tuần này, giá dầu Brent đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2019 và giá dầu WTI đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Sau đó, giá dầu sụt giảm trong phiên ngày thứ Năm vì đồng USD tăng giá mạnh do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất.
Dầu đang ở trong xu hướng tăng giá nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu khỏi đại dịch và những dự báo cho rằng nguồn cung dầu có thể không tăng kịp nhu cầu. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ của đồng USD và nỗi lo số ca nhiễm mới Covid-19 vẫn tăng mạnh ở nhiều quốc gia.
Ngoài ra, giá dầu có thể chịu thêm áp lực giảm nếu Mỹ và Iran đạt nhất trí khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015. Trong trường hợp đó, Tehran sẽ được dỡ trừng phát kinh tế và có thể đẩy mạnh xuất khẩu dầu.
Một nguồn tin từ ngành dầu lửa nói rằng các chuyên gia trong ngành đồng thuận rằng mức tăng trưởng nguồn cung dầu thô của Mỹ sẽ hạn chế trong năm nay. Về năm 2022, dự báo tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ khá đa dạng, dao động từ 500.000 thùng/ngày đến 1,3 triệu thùng/ngày.
“Quan điểm chung về dầu đá phiến của Mỹ là sản lượng sẽ tăng, nhưng không tăng nhanh”, nguồn tin nói.
Giá dầu tăng đã khuyến khích một số công ty năng lượng của Mỹ đẩy mạnh việc khoan tìm và khai thác dầu. Số giàn khoan dầu hoạt động ở nước này – một chỉ báo sớm về mức sản lượng trong tương lai, tăng thêm 8 giàn trong tuần này, đạt mức 373 giàn – con số cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo dữ liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes.