Giá dầu tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp do lượng tồn kho của Mỹ giảm
Giá dầu thế giới tăng phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (9/7), sau khi thống kê cho thấy lượng xăng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh. Tuy nhiên, “vàng đen” đã có một tuần giảm giá do những bấp bênh về nguồn cung dầu toàn cầu vì mâu thuẫn nội bộ OPEC+...
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,43 USD/thùng, tương đương tăng 1,93%, đạt 75,55 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,62 USD/thùng, tương đương tăng 2,22%, đạt 74,56 USD/thùng.
Tính cả tuần, giá dầu Brent và WTI cùng giảm khoảng 1% mỗi loại, chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp trước đó.
Sự kiện lớn nhất liên quan đến thị trường dầu trong tuần này là cuộc họp đổ vỡ của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga. OPEC+ bàn về tăng sản lượng từ tháng 8 trở đi, nhưng Các tiểu vương quốc Arab (UAE) không đồng ý với đề xuất của Saudi Arabia, dù đề xuất này được ủng hộ bởi các thành viên còn lại trong liên minh.
Lúc đầu, thị trường lo ngại rằng mâu thuẫn trong OPEC+ sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn cung dầu và giá dầu tăng vọt. Có lúc, giá dầu WTI vượt 77 USD/thùng, cao nhất 7 năm. Nhưng sau đó, giá dầu sụt giảm do giới đầu tư cho rằng các thành viên OPEC+ sẽ từ bỏ thoả thuận hạn chế sản lượng và khai thác dầu tuỳ ý, dẫn tới một cuộc chiến giảm giá dầu.
Trong hai phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu, giá dầu được hỗ trợ bởi số liệu mà Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố cho thấy lượng xăng dầu tồn kho của nước này sụt giảm và nhu cầu tiêu thụ xăng đạt mức cao nhất kể từ 2019. Những con số này được xem là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh hồi phục của nền kinh tế Mỹ.
“Báo cáo của EIA có sức mạnh hỗ trợ quan trọng, đưa giá dầu trở lại trạng thái tăng”, chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định.
“Rõ ràng, thị trường dầu ở Mỹ đang thắt chặt. Tuy nhiên, cách tốt nhất để tránh giá dầu bị giảm thêm là kiểm soát nguy cơ xảy ra một cuộc chiến giảm giá dầu giữa các nước OPEC+”.
Nguồn thạo tin cho biết Nga đang cố gắng hoà giải nhằm đi đến một thoả thuận tăng sản lượng trong OPEC+. Mỹ cũng liên lạc chặt chẽ với Saudi Arabia và UAE nhằm thuyết phục hai nước này xuống thang căng thẳng.
“Các cuộc chiến giá dầu thường không kéo dài, vì chẳng bên nào được lợi trong dài hạn cả”, một báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy có đoạn viết. “Vì lợi ích của chính mình, OPEC+ nên bao dung một chút với UAE và những thành viên khác muốn được sản xuất nhiều dầu hơn”.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent đã tăng hơn 49% và giá dầu WTI đã tăng gần 58%. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đang có dấu hiệu chậm lại bởi biến chủng Delta của Covid-19 lây lan mạnh trên toàn cầu, đặt ra nguy cơ cản trở tiến trình phục hồi kinh tế.