Giá dầu tăng phiên thứ hai liên tiếp nhờ tín hiệu Saudi Arabia giảm sản lượng
Mặc dù vậy, giá năng lượng này vẫn đang chịu áp lực giảm từ mối lo kinh tế toàn cầu giảm tốc
Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Năm, nhờ sự hỗ trợ từ những tín hiệu cho thấy Saudi Arabia đang cắt giảm sản lượng dầu. Mặc dù vậy, giá năng lượng này vẫn đang chịu áp lực giảm từ mối lo kinh tế toàn cầu giảm tốc gây giảm nhu cầu tiêu thụ dầu.
Chốt phiên, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,04 USD/thùng, tương đương tăng 1,89%, đạt 55,95 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,55 USD/thùng, tương đương tăng 1,18%, đạt 47,09 USD/thùng.
Đang có tín hiệu cho thấy nguồn cung dầu suy giảm từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), trong đó có Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Theo một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện, nguồn cung dầu OPEC giảm trong tháng 12 với mức giảm mạnh nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây. Saudi Arabia đã khởi động sớm thỏa thuận cắt giảm sản lượng, trong khi nguồn cung dầu của Iran và Libya cũng giảm xuống dù hai nước này không tự nguyện hạ sản lượng khai thác.
"Saudi Arabia đi đầu trong việc cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận có hiệu lực chính thức từ tuần này. Đến thời điểm này, có thể thấy nhiều khả năng các nước OPEC và đối tác sẽ tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận giảm sản lượng dầu" - ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch của Ritterbusch and Associates, nhận định.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị cản lại bởi nỗi lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Nỗi lo này dâng cao sau khi tập đoàn công nghệ Apple cắt giảm dự báo doanh thu với lý do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu đi. Cảnh báo của Apple được ví như một "quả bom", tạo một làn sóng bán tháo cổ phiếu ở Phố Wall và gây áp lực giảm lên giá dầu.
Ngoài ra, dữ liệu cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Mỹ yếu đi cũng làm gia tăng mối lo về tăng trưởng kinh tế.
"Giá dầu đang giằng co giữa tác động của hai yếu tố cung và cầu", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định. "Đây thực sự là một cuộc chiến của tình hình nguồn cung - yếu tố đang có chiều hướng bị thắt chặt, với khả năng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ giảm xuống".
Mấy tháng qua, thị trường đã lo ngại về sự gia tăng nguồn cung từ các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, gồm Mỹ và Nga.
Để giải quyết mối lo này và "vực dậy" giá dầu, OPEC và Nga vào đầu tháng 12 đã nhất trí giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng mỗi ngày. Thỏa thuận này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.