Giá dầu xuống đáy 7 tháng vì triển vọng kinh tế toàn cầu sa sút
Giữ đà giảm mạnh của những ngày gần đây, giá dầu thế giới sụt hơn 4% trong phiên giao dịch thứ Tư
Giữ đà giảm mạnh của những ngày gần đây, giá dầu thế giới sụt hơn 4% trong phiên giao dịch thứ Tư, xuống mức thấp nhất trong 7 tháng. Lượng dầu tồn kho của Mỹ bất ngờ tăng mạnh, cộng thêm mối lo nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu do thương chiến Mỹ-Trung là lý do chính đẩy giá "vàng đen" lao dốc.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 4,4%, còn 56,35 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 1. So với đỉnh giá của 2019 thiết lập vào tháng 4, giá dầu Brent hiện giảm hơn 20%.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau chốt phiên giảm 4,7%, còn 51,09 USD/thùng.
Giá dầu giảm ngay từ đầu phiên do tác động của cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Đà giảm được đẩy nhanh hơn sau khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo hàng tuần cho thấy tồn kho dầu thô của nước này tăng 2,4 triệu thùng trong tuần trước, thay vì giảm 2,8 triệu thùng như dự báo của giới phân tích.
Với mức tăng như trên, tồn kho dầu thô của Mỹ hiện đang cao hơn khoảng 2% so với mức trung bình 5 năm của thời điểm này hàng năm. Ngoài ra, tồn kho xăng cũng tăng 4,4 triệu thùng.
Trước đó, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 7 tuần liên tiếp, tạo lực đỡ quan trọng cho giá dầu. Theo ông John Kilduff, nhà quản lý quỹ thuộc Again Capital, sự hỗ trợ này đã không còn sau bản báo cáo mới nhất.
Giá dầu Brent đã sụt hơn 12% từ khi Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm tuần trước bất ngờ tuyên bố áp thuế quan 10% lên hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Giá năng lượng này đã có những phiên giảm sâu theo thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, khi đà bán tháo của chứng khoán toàn cầu giảm bớt trong phiên ngày thứ Ba và thứ Tư, giá dầu vẫn tiếp tục giảm mạnh.
"Giá dầu tiếp tục đi xuống do lo ngại về tăng trưởng nhu cầu, và mối lo rằng tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng bởi thương chiến", ông Gene McGillian, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu thuộc Traditional Energy, nhận định.
"Mối lo lớn nhất của thị trường đang là nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian còn lại của năm", ông McGillian nói.
Tuần này, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thô và các loại năng lượng lỏng của Mỹ. Ngoài ra, EIA cũng hạ 0,1% dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong 2019 và 2020.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm nay được dự báo tăng 1,28 triệu thùng/ngày, đạt kỷ lục mới ở 12,27 triệu thùng/ngày.
"Mọi người nhìn vào những con số này và đưa ra đánh giá bi quan về thị trường", ông Robert Yawger, Giám đốc mảng thị trường năng lượng giao sau thuộc ngân hàng Mizuho ở New York, nhận xét.
Giá dầu thô tại Mỹ có thể giảm về cận dưới của vùng 40 USD/thùng trừ phi tâm lý bi quan hiện nay trên thị trường giảm bớt, nhưng sản lượng dầu của Mỹ vẫn đang tăng và diễn biến thị trường chứng khoán phản ánh nỗi lo ngày càng lớn về suy giảm tăng trưởng kinh tế - chiến lượng gia Josh Graves thuộc RJO Futuresm nhấn mạnh.
"Giá dầu có thể còn giảm nữa", ông Graves phát biểu. "Số liệu về tồn kho dầu của Mỹ gây thất vọng, và tình trạng thị trường chứng khoán cũng đáng lo ngại".
Những phiên sụt giảm gần đây của giá dầu diễn ra bất chấp căng thẳng ở Trung Đông tăng cao sau khi Iran bắt giữ một số tàu chở dầu ở eo biển Hormuz - đoạn đường huyết mạch của hoạt động vận tải dầu lửa quốc tế trên biển.