09:13 04/03/2011

Giá hàng trọng yếu có thể còn tăng

Diệu Hương

Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây phát đi nhận định, giá một số mặt hàng trọng yếu còn đứng trước áp lực tăng

Giá sắt thép tại thì trường trong nước được bự báo sẽ tăng theo sau đợt điều chỉnh giá điện vừa qua.
Giá sắt thép tại thì trường trong nước được bự báo sẽ tăng theo sau đợt điều chỉnh giá điện vừa qua.
Báo cáo tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu của Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây phát đi nhận định, giá một số mặt hàng trọng yếu còn đứng trước áp lực tăng.

Việc điều chỉnh giá xăng dầu, điện khiến cho xi măng, sắt thép đứng trước khả năng tăng giá trong thời gian tới, trong khi cầu mặt hàng phân bón đang tăng cao cùng lúc nguồn cung khó khăn dẫn tới dự báo về đợt tăng giá mới.

Giá xăng dầu điều chỉnh chưa tới

Vụ Kinh tế Dịch vụ lưu ý, kể từ giữa tháng 2, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục tăng đột biến trước những lo ngại về bạo lực ở Libya có thể làm giảm hơn nữa sản lượng dầu của nước này. Ngày 22/2, giá dầu thô kỳ hạn tháng 3 tại New York đã ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2008; tại London, dầu Brent kỳ hạn tháng 4 cũng đạt mức cao kỷ lục trong vòng 2,5 năm qua.

Trong khi đó, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 2/2011 ước đạt 970 nghìn tấn, trị giá khoảng 760 triệu USD, giảm 7,4% về lượng so với tháng 1/2011.

Trước sức ép từ giá xăng dầu thế giới, sau khoảng 2 tuần áp dụng mức tăng mới sử dụng quỹ bình ổn để giữ giá xăng dầu, ngày 24/2, giá bán các mặt hàng xăng dầu đã được điều chỉnh tăng thêm từ 2.110- 3.550 đồng/lít (kg).

Tuy nhiên, các mức “nới” này được cho là chưa tương ứng với giá đáng ra cần phải áp mới. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, tại phiên họp giữa Chính phủ và các địa phương, hôm 24/2, cho biết, mức giá mới chỉ bằng khoảng 46-56% mức cần điều chỉnh, tùy loại.

Điện tăng sắt thép cũng tăng

Sau hai tuần đầu tháng 2 liên tục giảm, giá phôi thép trên thị trường thế giới đã tăng trở lại và có triển vọng tăng hơn nữa nhờ nhu cầu tăng hơn.

Theo Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 2/2011 đạt 450 nghìn tấn, giảm 15,6% về lượng so với tháng 1/2011; tính cả 2 tháng đầu năm ước đạt 983 nghìn tấn, giảm 13% về lượng so với cùng kỳ năm 2010.

Trước những diễn biến này, tại thị trường trong nước, một số doanh nghiệp trong nước đã tiếp tục tăng giá thép cuộn và cây khoảng 300-500 nghìn đồng/tấn. Đây là đợt tăng giá lần thứ 2 trong tháng của các công ty sản xuất thép, với mức tăng tổng cộng từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng mỗi tấn.

Theo Vụ Kinh tế dịch vụ, ngoài nguyên nhân tăng giá do giá phôi thép trên thế giới tăng mạnh, lãi suất ngân hàng, tỷ giá USD tăng cao cũng đã tác động làm tăng chi phí sản xuất. “Dự báo trong thời gian tới, với việc giá điện tăng thì giá thép cũng sẽ tăng cao”, cơ quan này cho biết.

Xi măng có thể cũng tăng theo giá điện

Ngay đầu tháng 2/2011, các nhà máy thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã điều chỉnh giá bán xi măng tăng thêm 60 nghìn đồng/tấn với lý do bù đắp chi phí đầu vào tăng cao. Theo đó, giá bán xi măng tại các nhà máy đang ở mức 858 nghìn đồng - 1,4 triệu đồng/tấn, tùy loại và tùy khu vực.

Theo Vụ Kinh tế dịch vụ, có khả năng trong tháng 3, nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tăng trở lại. Nếu cộng thêm các tác động tăng giá điện, cơ quan này cho rằng, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng khác, giá xi măng có thể tiếp tục được điều chỉnh tăng.

Giá phân bón tăng do cầu vượt cung

Dù thị trường phân bón quốc tế tháng 2/2011 không có nhiều biến động, giá ure giảm nhẹ, hoạt động mua bán tại một số khu vực bị trì trệ do khủng hoảng chính trị tại Ai Cập.

Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, nhu cầu sử dụng phân bón trong nước tăng dần do đã tới thời vụ, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc đã xuất hiện tình trạng thiếu cung và giá cả tăng mạnh từ đầu tháng.

“Tỷ giá ngoại tệ cao và nguồn cung hạn chế từ phía Trung Quốc đang là khó khăn cho việc nhập khẩu phân bón của Việt Nam”, Vụ Kinh tế dịch vụ lưu ý.

Kịch bản giá phân bón tháng 3, theo Vụ này, giá đang có xu hướng tiếp tục tăng do nhu cầu tiêu thụ cao trong khi nguồn cung gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2011, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 498 triệu USD với trị giá 191 triệu USD (trong đó phân ure là 55 nghìn tấn, trị giá 20 triệu USD), giảm 33,7% so với cùng kỳ năm 2010.