08:41 13/09/2022

Giá khí đốt và giá điện ở châu Âu “hạ nhiệt” nhờ kế hoạch chống khủng hoảng của EU

An Huy

Giá khí đốt tại thị trường châu Âu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (12/9) khi Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu hé lộ chi tiết kế hoạch ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có tiền lệ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá khí đốt tại thị trường châu Âu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (12/9), khi Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu hé lộ chi tiết kế hoạch ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có tiền lệ, bao gồm đề xuất những mục tiêu cho việc cắt giảm nhu cầu tiêu thụ điện. Giá điện tại châu Âu cũng giảm mạnh trong phiên cùng ngày - hãng tin Bloomberg đưa tin.

Giá khí đốt giao sau tiêu chuẩn có lúc giảm tới 9,3%, xuống mức thấp nhất 1 tháng. Dù vậy, so với mức giá bình thường ở thời điểm này hàng năm, giá khí đốt tại châu Âu hiện vẫn cao gấp khoảng 8 lần. Các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs dự báo đến khoảng quý 1/2023, giá khí đốt tại châu Âu sẽ giảm một nửa.

 

Dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đầy khoảng 84%, cao hơn một chút so với mức bình quân 5 năm - theo dữ liệu của cơ quan hạ tầng khí đốt châu Âu Gas Infrastructure Europe.

EU đang nỗ lực cắt giảm tiêu thụ năng lượng và bơm thanh khoản vào thị trường năng lượng nhằm ngăn cuộc khủng hoảng này bóp nghẹt toàn bộ nền kinh tế khu vực. Nga đã giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu xuống mức gần như tối thiểu, nhưng EU đã tích trữ được một lượng lớn khí đốt và đa dạng hoá các nguồn năng lượng trong bối cảnh mùa đông đến gần.

Uỷ ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, sẽ đưa ra hai mục tiêu về cắt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Mục tiêu thứ nhất là giảm tổng mức tiêu thụ và mục tiêu thứ hai là bắt buộc giảm tiêu thụ điện vào những khung giờ cao điểm – theo một bản dự thảo do Bloomberg thu thập được.

Kế hoạch cũng đặt ra trần doanh thu đối với các công ty sản xuất điện từ các nguồn đầu vào không phải là khí đốt, thông qua áp trần giá điện từ các nguồn năng lượng tái sinh, than và năng lượng hạt nhân. Tất cả những thay đổi này đều cần tới sự phê chuẩn của mọi quốc gia thành viên EU mới có thể được đưa vào thực thi.

“Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn. Nhưng tôi vẫn chưa thấy điều này dẫn tới sự tụt giảm nhu cầu năng lượng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta”, nhà nghiên cứu Anne-Sophie Corbeau thuộc Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu, Đại học Columbia, nhận định. “Khủng hoảng hiện nay là khủng hoảng khí đốt và điện, nên điều quan trọng là phải giảm nhu cầu khí đốt và điện”.

Khí đốt chiếm khoảng 20% nhiên liệu để phát điện ở EU, và lượng điện được phát bằng khí đốt trong khối này trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng thay vì giảm, do sản lượng điện hạt nhân và thuỷ điện suy giảm - bà Corbeau nhấn mạnh.

Tại một cuộc họp các bộ trưởng bộ năng lượng EU vào hôm thứ Sáu tuần trước, tất cả các quốc gia thành viên - với nhu cầu năng lượng không giống nhau – đã thể hiện sự bất đồng về cách thức thực thi trần giá khí đốt. Ý tưởng áp trần giá trên diện rộng, đối với tất cả khí đốt nhập khẩu chứ không riêng gì khí đốt Nga, cũng được thảo luận nhưng các bộ trưởng nhất trí rằng cần nghiên cứu thêm về biện pháp này.

Na Uy, một nhà cung cấp khí đốt chủ chốt của châu Âu, đang có những hoài nghi về việc áp trần giá - Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết sau một cuộc điện đàm với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. “Một mức giá tối đa sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì liên quan đến các yếu tố nền tảng. Vấn đề là có quá ít khí đốt ở châu Âu”, ông Store nói.

Goldman Sachs dự báo mức dự trữ khí đốt lớn của EU khi khu vực này bước vào mùa đông “sẽ cho phép việc rút dự trữ lớn hơn bình thường trong mùa đông này, và mức dự trữ vẫn còn khoảng 20%” khi đến cuối tháng 3. “Theo quan điểm của chúng tôi, việc này sẽ khiến cho tính cấp bách mà chúng ta đang chứng kiến của việc phá huỷ nhu cầu sẽ dần được thay thế bởi cảm giác giải toả của thị trường khi có đủ khí đốt để vượt qua mùa đông”, báo cáo của Goldman Sachs có đoạn viết.

Ngân hàng này dự báo giá khí đốt tham chiếu tại thị trường châu Âu sẽ giảm dưới mức 100 Euro/megawatt giờ trong quý 1 năm sau, từ mức hơn 190 Euro/megawatt hiện nay.

Dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đầy khoảng 84%, cao hơn một chút so với mức bình quân 5 năm - theo dữ liệu của cơ quan hạ tầng khí đốt châu Âu Gas Infrastructure Europe. Khu vực này cũng đang gấp rút mở thêm các cảng khí hoá lỏng (LNG) để nhập khẩu thêm LNG, với cảng mới nhất đi vào hoạt động tại Hà Lan vào tuần trước.

Theo dự báo của Goldman Sachs, nhập khẩu LNG của châu Âu trong mùa đông năm nay sẽ tăng 16% so với mùa đông năm ngoái, khi các dự án LNG mới ở Mỹ và Mozambique khởi động. Tuy nhiên, nếu mùa đông ở châu Á lạnh hơn và kinh tế Trung Quốc khởi sắc, các nước châu Á có thể sẽ cạnh tranh mạnh với châu Âu để giành các lô LNG.

Giá khí đốt giao tháng kế tiếp trên sàn TTF ở Amsterdam, Hà Lan - giá tham chiếu của thị trường khí đốt châu Âu - đóng cửa phiên ngày 12/9 với mức giảm 7,9%, còn 190,59 Euro/megawatt giờ. Giá khí đốt ở Anh giảm 8,1%. Giá điện tiêu chuẩn tại thị trường Đức giao năm 2023 giảm 9,1%.

Vẫn còn đó nhiều “bấp bênh về giá khí đốt và cả nguồn cung khí đốt”, chuyên gia kinh tế trưởng Gilles Moec của AXA Investment Managers nhận định trên Bloomberg TV. Theo ông Moec, thị trường vẫn đang chờ những chi tiết cụ thể hơn về kế hoạch chống khủng hoảng năng lượng của EU và liệu các nước trong khu vực có phải chia khẩu phần điện và khí đốt trong mùa đông này.