10:48 08/04/2008

Giá lương thực cao, các nước nghèo cần thêm ODA

Trung Quốc

Các nước OECD đã chi trung bình 0,28% thu nhập quốc gia cho viện trợ năm 2007, ít hơn 0,7% so với mục tiêu Liên hợp quốc đưa ra

Giá lương thực tăng  cao đang đe dọa nghiêm trọng đời sống của người nghèo trên toàn thế giới.
Giá lương thực tăng cao đang đe dọa nghiêm trọng đời sống của người nghèo trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, giá lương thực, thực phẩm tăng cao, các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế mới nổi cần tăng cường viện trợ ODA, giúp các nước nghèo vượt qua khó khăn, đạt Mục tiêu thiên niên kỷ...

Đó là tinh thần của Hội nghị Phát triển năm 2008 vừa diễn ra ở Tokyo (Nhật Bản) nhằm thảo luận viện trợ phát triển ODA cho các nước nghèo. Dự Hội nghị có các bộ trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G8) và các nền kinh tế mới nổi (Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mexico, Hàn Quốc và Nam Phi).

Thúc đẩy Mục tiêu thiên niên kỷ

Hội nghị này tạo cơ sở thảo luận về ODA cho Hội nghị thượng đỉnh G8 tổ chức tại Nhật vào tháng 7 tới. Hội nghị tập trung thảo luận một cơ chế hợp tác hiệu quả, phù hợp giữa các nước G8 và các nền kinh tế mới nổi nhằm tăng viện trợ phát triển ODA, thúc đẩy các nước châu Phi và một số quốc gia kém phát triển khác đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đối phó với tình trạng thay đổi khí hậu. Nhật Bản, nước chủ nhà hội nghị, đã đề xuất một khung hợp tác trong lĩnh vực này.

Theo đó, các bộ trưởng cam kết phối hợp hành động chống đói nghèo và ngăn chặn tình trạng lây lan của virút HIV/AIDS trong các khu vực nghèo khổ trên thế giới trước năm 2015. Các bộ trưởng đã thỏa thuận thực hiện các biện pháp tăng cường lòng tin và sự minh bạch trong chính sách giúp đỡ các nước châu Phi; nhất trí rằng các nước tiên tiến và các nước đang phát triển cần đoàn kết nhằm giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính...

Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD), ông Angel Gurria nhấn mạnh, các nước giàu không được vì nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu mà từ bỏ cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, vì như vậy sẽ dẫn đến một hậu quả bi thảm toàn cầu. Ông nêu rõ, đói nghèo là nguyên nhân của một chuỗi nguy cơ mang tính toàn cầu, như khủng bố, xung đột vũ trang, hủy hoại môi trường, dịch bệnh toàn cầu và tội phạm có tổ chức...

Tại Hội nghị, các chuyên gia kinh tế kêu gọi, các nước cần tăng đầu tư cho nông nghiệp để giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt với thực tế dự trữ lương thực đang cạn kiệt, vì vậy cần phải kết hợp giữa viện trợ lương thực với các biện pháp khẩn cấp để làm tăng nguồn cung lương thực trên thế giới. Các nước phát triển cần phải nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết viện trợ ODA của họ.

Các nước giàu chưa thực hiện đầy đủ cam kết

OECD cho rằng các nước giàu chưa thực hiện đầy đủ cam kết viện trợ quốc tế cho các nước nghèo. Báo cáo của OECD công bố ngày 4/4 cho biết, năm 2007, viện trợ quốc tế của các nước giàu dành cho các nước nghèo mặc dù có tăng, song vẫn chưa đạt mức như cam kết.

Các nước thành viên OECD đã chi trung bình 0,28% thu nhập quốc gia của mình, tương đương 103,7 tỉ USD cho viện trợ năm 2007, ít hơn 0,7% so với mục tiêu Liên hợp quốc đưa ra. Các nhà vận động cho chiến dịch phát triển cho biết, tỷ lệ viện trợ của các nước giàu dành cho các nước nghèo hiện đang giảm dần hàng năm và kêu gọi các nước thành viên OECD thực hiện đúng cam kết của mình tại Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Scotlen năm 2005.

Báo cáo của OECD cũng cho biết, tổng ODA của Ủy ban Viện trợ phát triển (DAC) gồm 22 nước thành viên đã giảm 8,4% năm 2007, xuống còn 103,66 tỷ USD. Con số trên thấp hơn nhiều so với cam kết tại hội nghị thượng đỉnh Gleneagles năm 2005, theo đó các nước sẽ tăng viện trợ thêm 50 tỷ USD, lên 130 tỷ USD và tăng gấp đôi viện trợ cho châu Phi từ năm 2004 đến 2010. Tuy nhiên, các nước G-8 tìm cách bảo đảm với các nước nhận viện trợ rằng cam kết của họ vẫn có giá trị và có thể thực hiện được.

Tại Hội nghị, nước chủ nhà Nhật Bản đã cam kết tăng trở lại viện trợ nước ngoài. Cam kết trên đưa ra một ngày, sau khi OECD công bố số liệu cho thấy Nhật tụt xuống vị trí thứ 5 trong số 22 nhà tài trợ lớn của thế giới trong năm 2007.

Theo số liệu của tổ chức nhân đạo Oxfam, các nước phát triển (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Đức, Canada, Nhật, Italia) đã không thực hiện cam kết tăng viện trợ cho các nước đang phát triển. Trong số các nước phát triển đóng góp tính theo tỷ lệ so với mức thu nhập quốc gia, Mỹ là nước đóng góp ít nhất với 0,16%, Anh (0,36%), Đức (0,37%) và Pháp (0,39%).