14:45 12/04/2023

Giả mạo chữ ký 330 khách hàng, “rút ruột” ngân hàng hơn 55 tỷ đồng

Đỗ Mến

Việt truy cập vào hệ thống IPCAS lấy thông tin số hợp đồng LAV và biết được hạn mức, dư nợ từng khách hàng... rồi lập khống hồ sơ, giả mạo chữ ký khách hàng để rút hơn 55 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TAND cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm vào thời gian tới với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”  và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại một chi nhánh ngân hàng lớn.

Trước đó, TAND tỉnh Hưng Yên xử phạt bị cáo Ngô Đức Việt (nguyên cán bộ tín dụng) án chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Cùng phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, các bị cáo bị cáo còn lại gồm Nguyễn Trung Hắc (cựu Phó giám đốc ngân hàng), Phạm Như Sở (cựu Phó Trưởng phòng Kế hoạch kinh donah), Trần Đông Nam (cán bộ ngân hàng)… lĩnh án từ 1 năm 3 tháng cải tạo không giam giữ - 3 năm 9 tháng tù.

Sau bản án sơ thẩm các bị cáo: Ngô Đức Việt, Nguyễn Trung Hắc và Phạm Như Sở đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, có bị cáo xin hưởng án treo.

GIẢ MẠO CHỮ KÝ 330 KHÁCH HÀNG

Bản án sơ thẩm thể hiện, Việt là cán bộ tín dụng thẩm định, theo dõi địa bàn và quản lý vay. Lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao, vào khoảng tháng 1/2018, Việt nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của ngân hàng để chi tiêu cá nhân.

Để thực hiện hành vi phạm tội, Việt truy cập vào hệ thống IPCAS lấy thông tin số hợp đồng LAV và biết được hạn mức, dư nợ từng khách hàng, khách hàng nào đã tất toán khoản vay nhưng chưa hoặc không có nhu cầu vay vốn tiếp mà vẫn còn hạn mức tín dụng.

Để “rút ruột” ngân hàng, Việt lập khống hồ sơ, giả mạo chữ ký của khách hàng hoặc giả mạo chữ ký khách hàng trên Báo cáo đề xuất giải ngân kiêm giấy nhận nợ; Bảng kê mua hàng; Bảng theo dõi phát tiền và kế hoạch trả nợ (đối với khách hàng vẫn còn hạn mức dư nợ và vay lần 2).

Hoặc lợi dụng mối quan hệ quen biết, tin tưởng giữa khách hàng và bị cáo, Việt đã đưa hồ sơ tín dụng cho khách hàng ký nhưng chưa ghi rõ số tiền, sau khi ký xong Việt mới điền số tiền lớn hơn số mà khách hàng có nhu cầu vay để từ đó chiếm đoạt.

Để che giấu hành vi phạm tội, Việt rút tiền từ tài khoản bên thứ ba thụ hưởng là những người quen biết. Những người này khẳng định giữa họ và khách hàng vay vốn không có giao dịch kinh tế với nhau, không được Việt trao đổi cho biết lý do nhờ tài khoản, bản thân họ cũng không được hưởng lợi.

Việt thừa nhận từ năm 2018 đến hết tháng 3/2021, bị cáo lập khống và giả mạo chữ ký của 330 khách hàng, ứng với 367 giấy nhận nợ với số tiền giải ngân gần 67 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng cáo buộc Việt chiếm đoạt hơn 55,2 tỷ đồng của ngân hàng.

Ngoài ra, Việt còn thực hiện hành vi chiếm đoạt hơn 723 triệu đồng của 9 khách hàng. Các khách hàng này tin tưởng Việt nên đưa tiền cho bị cáo thanh toán nợ gốc và lãi nhưng Việt không nộp tiền về ngân hàng mà sử dụng chi tiêu cá nhân hết.

THIẾU TRÁCH NHIỆM DẪN ĐẾN SƠ HỞ NGHIỆP VỤ

Cơ quan tố tụng xác định, để xảy ra sự việc có sự thiếu trách nhiệm của các cán bộ gồm Phạm Như Sở, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Quốc Văn, Võ Ngọc Ánh là Phó trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh – kiểm soát khoản vay thời kỳ từ năm 2018 đến tháng 3/2021.

Các bị cáo không thực hiện đúng, đủ chức trách nhiệm vụ được giao trong việc kiểm soát khoản vay và quản lý nợ theo quy chế của ngân hàng.

Các bị cáo căn cứ trên hồ sơ giấy, đối chiếu thông tin trên hệ thống IPCAS, sau đó ký duyệt đồng ý trình người quyết định cho vay. Sau khi hồ sơ được giải ngân đến giai đoạn quản lý nợ vay, các cá nhân này chỉ đạo miệng đối với Việt về việc kiểm tra, giám sát hoạt động sử dụng vốn vay của khách hàng, nhưng không trực tiếp hoặc yêu cầu cán bộ tín dụng khác kiểm tra lại báo cáo (Báo cáo kiểm tra việc sử dụng vốn vay sau khi giải ngân) của bị cáo Việt.

Do vậy, dẫn đến sơ hở về mặt quy trình nghiệp vụ, không phát hiện ra việc bị cáo Việt thực hiện hành vi lập khống hồ sơ và giả mạo chữ ký khách hàng trên hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt hơn 55,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bị cáo không được hưởng lợi vật chất.

Tương tự, các bị cáo là phó giám đốc chi nhánh ngân hàng này gồm Nguyễn Trung Hắc… cũng thiếu trách nhiệm dẫn đến sơ hở về quy trình, nghiệp vụ để Việt lợi dụng, chiếm đoạt tiền trong thời gian dài.

Tòa sơ thẩm xác định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến sự hoạt động đúng đắn của Ngân hàng, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ; làm mất trật tự trị an xã hội; gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân; làm ảnh hưởng đến uy tín hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và cá nhân.

Trong vụ án này, lỗi do bị cáo Ngô Đức Việt là chính, đồng thời bị cáo Việt là người chiếm đoạt và sử dụng toàn bộ số tiền từ hành vi phạm tội, các bị cáo còn lại chỉ là lỗi vô ý đã giúp sức cho bị cáo Việt và không được hưởng lợi gì. Do vậy, bị cáo Việt phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Trong các vụ việc thất thoát tiền tại ngân hàng có sai phạm của chính người trong nghề thì yếu tố đạo đức nghề nghiệp được nhắc đến nhiều nhất.

Tuy nhiên, theo một cán bộ ban kiểm soát một ngân hàng ngoại cho biết, khi tuyển dụng, ngân hàng nào cũng nhấn mạnh yếu tố đạo đức trong hợp đồng tuyển dụng nhân sự và được nhắc đi nhắc lại trong quy chế, các cuộc họp. Nhưng rất khó để kiểm soát việc nhân viên lợi dụng chức vụ, lấy cắp thông tin khách hàng để thực hiện hành vi phạm pháp, ngay cả khi hệ thống thông tin đã được mã hóa…

Trên thực tế, nhiều cán bộ chưa ý thức hết trách nhiệm phát sinh từ nghề nghiệp, chưa nhận thức được rủi ro, coi thường trách nhiệm pháp lý của chính mình. Từ đó dẫn đến việc coi nhẹ quyền lợi của khách hàng, ngân hàng mà họ phục vụ, tạo điều kiện cho các sai phạm diễn ra.