11:16 01/02/2023

Vụ Đông Á Bank: Nâng vống tài sản đảm bảo từ 80 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng

Đỗ Mến

Trong khi tài sản đảm bảo chỉ có giá trị gần 80 tỷ đồng thì các bị can đã thống nhất nâng vống lên hơn 2.000 tỷ đồng để giải ngân 1.680 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố đối với ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (viết tắt là DAB) và các đồng phạm về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Các bị can gồm ông Trần Phương Bình (SN 1959), Phùng Ngọc Khánh (SN 1963, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C), Nguyễn Đức Tài (SN 1968, cựu giám đốc DAB Sở giao dịch), Nguyễn Thị Ngọc Vân (cựu Phó Tổng giám đốc DAB), Nguyễn Văn Thuận (SN 1959, cựu Phó giám đốc Sở giao dịch DAB), Vũ Thị Thanh Hoa (SN 1981, Trưởng phòng tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB), Nguyễn Chí Công (SN 1979, cựu Phó phòng tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB) và Trần Hoài Ân (SN 1985, cựu cán bộ Phòng tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB).

Hồ sơ vụ án thể hiện, quá trình điều hành DAB từ 2007-2013, ông Bình thực hiện nhiều hành vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân hàng. Cơ quan tố tụng giải quyết vụ án qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, ông Bình và các đồng phạm đang phải chấp hành án phạt tù. Còn giai đoạn 2, liên quan trực tiếp đến 7 khoản vay của nhóm Công ty M&C  khiến DAB thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng.

Cáo trạng thể hiện, nhóm M&C gồm 5 pháp nhân là Công ty Ngôi sao, Công ty Liên Phát, Công ty Phát Vạn Hưng, Công ty Biển Bạc, Công ty Minh Quân.

Khi các khoản vay đã đến hạn và nguồn tài chính cạn kiệt, Phùng Ngọc Khánh đã trao đổi với ông Bình để sử dụng nhóm pháp nhân trên đứng tên vay tại DAB để trả nợ.

Ông Bình đồng ý và yêu cầu Khánh thế chấp quyền sử dụng đất diện tích 62.044,82m2 thuộc dự án 7,6ha tại phường An Phú, quận 2, TPHCM, thống nhất giá trị của tài sản này là 2.100 tỷ đồng.

Để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay và hợp tác tài sản bảo đảm chung cho 5 khoản vay, Khánh lập không hợp đồng chuyển giao khu đất trên cho Công ty Liên Phát, chỉ đạo các giám đốc “hờ” lập khống hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các công ty trong nhóm M&C.

Trong khi đó, ông Bình chỉ đạo các cán bộ DAB tiếp nhận hồ sơ và tài sản đảm bảo mà không phải thẩm định tài sản và phương án kinh doanh.

DAB đã giải ngân 1.680 tỷ đồng cho 5 hợp đồng vay vốn cho nhóm M&C. Thực tế sau khi được giải ngân, số tiền này được dùng trả nợ cho các khoản vay của Công ty cổ phần M&C…

Kết quả xác minh về tài sản đảm bảo thể hiện, chủ đầu tư khu đất 7,6ha là Công ty TNHH Đại Tín. Năm 2008, Công ty Đại Tín ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần M&C để thực hiện dự án trên. Năm 2010, dự án đã được UBND TPHCM chấp thuận về nguyên tắc thực hiện. Tuy nhiên do quá thời hạn thực hiện dự án, năm 2016, UBND TPHCM đã ban hành công văn thu hồi dự án trên và giao cho Công ty Phát Tiến thuê đất. Vì vậy, Công ty cổ phần M&C không có quyền đầu tư dự án này.

Kết quả điều tra cũng xác định, Công ty Đại Tín không đồng ý cho Công ty cổ phần M&C thế chấp dự án., không biết việc Công ty cổ phần M&C ký hợp đồng với các công ty khác.

Theo kết luận định giá chỉ có 41.961m2 đất là đáp ứng điều kiện về thế chấp, bảo lãnh, tương ứng với giá trị gần 80 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản vay trên không có tài sản đảm bảo nào khác, khách hàng vay không có hoạt động kinh doanh, không có khả năng tài chính.

Tính đến nay, dư nợ của 5 khoản vay trên khiến ngân hàng thiệt hại hơn 5.055 tỷ đồng (gồm nợ gốc và lãi).

Ngoài hành vi trên, cơ quan tố tụng còn làm rõ việc ông Bình cho Công ty cổ phần M&C vay hơn 146 tỷ đồng trái quy định, khiến DAB thiệt hại hơn 462 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2009, để xoay vốn cho Công ty cổ phần M&C, Phùng Ngọc Khánh phải tìm nguồn vốn vay tại Ngân hàng An Bình với hình thức phát hành trái phiếu. Khánh đã nhờ ông Bình chỉ đạo DAB phát hành thư bảo lãnh thanh toán trái phiếu để gửi Ngân hàng An Bình. Trị giá bảo lãnh tối đa là 120 tỷ đồng, thười hạn 3 năm, tài sản đảm bảo là hơn 2,6 triệu cổ phần Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C thuộc sở hữu Công ty cổ phần M&C.

Khi đến hạn thanh toán trái phiếu, Công ty cổ phần M&C không có tiền trả nên DAB phải cho vay bắt buộc.

Viện kiểm sát xác định, Công ty cổ phần M&C không đủ điều kiện phát hành trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu và đề nghị DAB bảo lãnh thực tế chỉ là phương thức để vay vốn ngân hàng. Công ty cổ phần M&C không sử dụng tiền thu được để đầu tư dự án mà để trả nợ và dùng vào mục đích khác.

Việc ông Bình và các cán bộ DAB phê duyệt, phát hành thư bảo lãnh thanh toán là vi phạm Điều 4 Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính Phủ về điều kiện phát hành trái phiếu.

Ngân hàng Đông Á được thành lập từ năm 1992, đến nay đã có 39 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng có 100% cổ đông trong nước, trong đó cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79%.

Vào năm 2015, Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước kết luận nhiều sai phạm xảy ra tại ngân hàng này. Do đó, DAB bị kiểm soát đặc biệt còn dàn cựu lãnh đạo cũng vướng vòng lao lý.

 

Trong vụ án này, bà Châu Thị An Bình, Phó giám đốc Phòng Sản phẩm dịch vụ - Khối Khách hàng Doanh nghiệp DAB là người lập tờ trình bảo lãnh thanh toán trái phiếu cho Công ty cổ phần M&C để trình ông Bình ký. Quá trình điều tra, bà Bình đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi khởi tố vụ án giai đoạn 1. Kết quả điều tra chưa làm rõ hành vi, trách nhiệm của bà Bình nên cơ quan điều tra tách hành vi của bà Bình để xem xét sau.