10:23 09/07/2022

Giả mạo hồ sơ ngoại tệ “nghìn tỷ USD” để lừa doanh nghiệp

Đỗ Như

Ngày 8/7, TAND TP Hà Nội đã xử phạt bị cáo Đinh Công Thanh (SN 1956, ở Hà Nam) 13 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 2 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước đó, năm 2018, Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an nhận được đơn tố cáo của doanh nghiệp về việc bị lừa đảo khi đặt cọc tiền thực hiện dự án.

Quá trình điều tra xác định, khoảng giữa năm 2013, Thanh thi công công trình xây dựng tại Lào nên quen biết Soulivone Varravong và Nouphab Libuonyasao, quốc tịch Lào. Hai người này giới thiệu cho Thanh thông tin về một quỹ sở hữu nguồn vốn nước ngoài có thể chuyển về Việt Nam dưới dạng dự án an sinh xã hội. Thanh gặp gỡ một số người tự giới thiệu là danh nhân trong đó có Lee Xayachack, quốc tịch Thái Lan – chủ sở hữu Qũy đầu tư 6 con rồng rủ hợp tác đầu tư.

Lee cho Thanh xem các tài liệu bằng tiếng Anh chứng thực về quỹ 6 rồng hiện đang sở hữu nguồn ngoại tệ hàng trăm nghìn tỷ USD do các cơ quan, tổ chức lớn trên thế giới xác nhận. Nhóm này cũng giao cho Thanh một số tài liệu chứng thực về nguồn vốn Qũy 6 rồng như Bằng chứng nhận quyền sỡ hữu quỹ của World Bank, giấy chứng nhận hợp pháp của Bộ Ngoại giao Mỹ, giấy chứng nhận đặt cọc bảo lãnh ngân hàng, chứng nhận Lee sở hữu hàng nghìn tỷ USD để giới thiệu và tìm kiếm doanh nghiệp cần nguồn vốn đầu tư dự án tại Việt Nam.

Để chuyển vốn về Việt Nam, Thanh rủ ông Nguyễn Thế Long (SN 1959, ở Hà Nội) để cùng thành lập CTCP đầu tư xây dựng và thương mại 60 Việt Nam, vốn điều lệ 50 tỷ đồng, ngành nghề chính là xây dựng. Cả hai thỏa thuận, Thanh làm Chủ tịch HĐQT, ông Long làm giám đốc.

Sau khi thành lập công ty, Thanh đăng ký mở tài khoản nhận đầu tư 100% vốn nước ngoài về Việt Nam nhưng không được chấp thuận vì công ty chưa có dự án, không có hồ sơ chứng minh năng lực tài chính.

Vì vậy, đầu năm 2016, Thanh sang Lào tìm Lee Xayachak và Nouphab Libounyasao yêu cầu cung cấp thêm tài liệu. Lúc này, Thanh chứng kiến hai người này tự in, tự dán, đóng các mẫu dấu chứng thực. Các đối tượng cũng nói thẳng với Thanh là làm giả tài liệu để sử dụng vào mục đích lừa đảo và đề nghị Thanh cùng hợp tác. Bị cáo đồng ý, rồi trở lại Việt Nam tự làm bản cam kết về việc chuyển hàng nghìn tỷ USD và đưa cho ông Long cùng nhiều giấy tờ khác.

Tin tưởng vào những tài liệu mà Thanh đưa, ông Long tìm kiếm các doanh nghiệp trong nước để nhận nguồn vốn đầu tư. Khoảng tháng 10/2016, thông qua người quen, ông Long gặp ông Phạm Văn Đ. – giám đốc công ty ở Hà Nội đang thực hiện 3 dự án nhà máy cấp nước sinh hoạt nhưng thiếu vốn. Ông Long đưa các tài liệu cho ông Đ. xem về quỹ 6 rồng và việc Công ty 60 Việt Nam đang làm thủ tục pháp lý để chuyển tiền ngoại tệ về Việt Nam.

Sau khi xem xét, ông Đ. trao đổi thêm với Thanh thì tin tưởng nguồn vốn là có thật nên đồng ý hợp tác. Ông Đ. đặt cọc 50.000 USD làm kinh phí để chuyển vốn ngoại về Việt Nam nhưng thỏa thuận này bất thành.

Lúc này, Thanh nảy sinh ý định là đứng ra làm nhà thầu chính cho 3 dự án nhà máy nước rồi tìm nhà thầu phụ để huy động vốn.

Đầu năm 2017, thông qua quan hệ xã hội, ông Long gặp bà Nguyễn Kim C. (SN 1968, Chủ tịch HĐTV Công ty Vật liệu mỏ đá K.K) và mời tham gia hợp tác. Sau khi xem xét hồ sơ pháp lý dự án, các hợp đồng, tài liệu của Qũy 6 rồng, bà C. đồng ý làm thầu phụ cho Công ty 60 Việt Nam để thi công 2 dự án.

Để trốn tránh trách nhiệm, Thanh giao cho ông Long ký hợp đồng với bà C. Công ty K.K phải đặt cọc 200.000 USD là kinh phí để Công ty 6 Việt Nam làm thủ tục đưa vốn về Việt Nam.

Từ ngày 24/2/2017 đến ngày 9/5/2017, Công ty K.K đã 4 lần chuyển cho ông Long 4,1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên, ông Long đã chuyển cho Thanh.

Để tạo niềm tin cho bà C., Thanh làm giả văn bản, thư xác nhận của quỹ 6 rồng, Sau đó, bị cáo nói với ông Long cần thêm tiền để giải ngân vốn. Bà C. tiếp tục chuyển cho ông Long vay 1,2 tỷ đồng. Số tiền ông Long lại chuyển tiếp cho Thanh.

Thanh đã nhiều lần chuyển 1,7 tỷ đồng sang Lào cho Nouphab với mục đích để trả công và trao đổi, mua thêm các thông tin, tài liệu làm giả khác. Bị cáo còn mạnh tay chi 1,3 tỷ đồng để mua xe ô tô.

Chờ mãi không thấy Công ty 60 Việt Nam thực hiện dự án, bà C. đã gọi điện đòi lại tiền nhưng Thanh khất lần, không trả.

Bị cáo trì hoãn trả tiền bằng cách thuê người làm giả xác nhận số dư tài khoản của Công ty 60 Việt Nam mở tại Ngân hàng Vietcombank – chi nhánh Bến Tre.

Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Thanh chiếm đoạt số tiền 4,1 tỷ đồng của bà C. Còn số tiền 1,2 tỷ đồng là quan hệ giao dịch vay mượn. Đối với ông Long, cơ quan điều tra xác định ông này không biết các tài liệu Thanh đưa là giả mạo.

Ngoài ra, mặc dù UBND tỉnh Bến Tre mới có văn bản về việc chấp thuận cho công ty của Thanh khảo sát, nghiên cứu dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Giao Hòa, bị cáo đã làm giả 4 tài liệu của UBND tỉnh Bến Tre nhằm thu hút nguồn tiền của các doanh nghiệp khác. Hành vi phạm vào tội Làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức.