09:59 13/08/2024

Gia tăng phúc lợi dành cho người thu gom phế liệu phi chính thức

Khánh Hà

Đóng góp to lớn trong quá trình tái chế rác thải là những người thầm lặng hành nghề “mua bán phế liệu”, nhóm lao động tự do này thời gian gần đây đang dần được cải thiện cuộc sống nhờ vào các sáng kiến hỗ trợ từ "Mạng lưới người thu gom và Công ty Coca-Cola Việt Nam"…

Người thu gom thường phải tự trang bị bao tay khi phân loại phế liệu.
Người thu gom thường phải tự trang bị bao tay khi phân loại phế liệu.

THU GOM PHẾ LIỆU: NGHỀ DÀNH CHO HỘ NGHÈO

“Ai ve chai sắt vụn đồng nát bán đê?”

Tiếng rao quen thuộc khắp các con đường lớn lẫn ngõ hẻm làng quê chính là điều nhận biết rõ nhất “Tôi là người thu gom phế liệu”. Theo một số thống kê, hiện nay có 82% người thu gom phế liệu là nữ giới, đa số thuộc hộ nghèo, cuộc sống khó khăn. Người thu gom phế liệu phi chính thức thường có mức thu nhập không ổn định, phụ thuộc vào lượng rác thải tái chế mà họ thu gom, không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động hay được đào tạo, tập huấn kỹ năng làm việc.

Hiện nay đa số những người thu gom phế liệu ở các thành phố đều là người lớn tuổi hoặc bị suy giảm khả năng lao động, những người nhập cư từ các vùng miền khác đến. Dưới điều kiện làm việc ngoài trời, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và các nguồn thu mua lượm nhặt thì việc ổn định thu nhập không hề dễ dàng.

Theo cô Xí, người thu gom phế liệu hơn mười năm qua thì “Đa số rác người ta vất đi, còn đồ dùng được như giấy, chai nhựa, lon bia, sắt phế liệu… bán được nên người ta chịu khó chia ra, nên nói là đi lượm chớ nhiều khi là đi mua lại.”

NỖ LỰC TẠO RA PHÚC LỢI CHO NGƯỜI THU GOM PHẾ LIỆU PHI CHÍNH THỨC

Để vơi bớt những khó khăn cho những người làm nghề thu gom, Mạng lưới Người thu gom (một cộng đồng được Doanh nghiệp xã hội ReForm Plastic bảo trợ), dưới sự hỗ trợ của Công ty Coca-Cola Việt Nam thông qua Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng EkoCenter Đà Nẵng, đã thực hiện nhiều sáng kiến nhằm cải thiện cuộc sống của những người thu gom phế liệu phi chính thức tại Thành phố Đà Nẵng.

Kể từ khi được triển khai từ đầu năm 2024, dự án hợp tác đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc mở rộng phạm vi tiếp cận của Mạng Lưới Người Thu Gom. Thông qua Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng EkoCenter Đà Nẵng, chương trình đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp cung cấp hỗ trợ và lợi ích thiết yếu cho các thành viên, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của những người thu gom rác phi chính thức trong xã hội.

Một hoạt động nổi bật có thể kể đến là "Ngày Hội sức khỏe, an toàn lao động cho lực lượng thu gom phế liệu” được tổ chức giúp kiểm tra sức khỏe miễn phí và tặng đồ bảo hộ lao động cho người thu gom phế liệu như: mũ, mặt nạ dễ thở, áo phản quang, găng tay cao su để ngăn nước ô nhiễm… Mỗi người tham gia đều được hỗ trợ chi phí đi lại để có thể đảm bảo có thể tham gia suốt buổi đào tạo.

Người thu gom phế liệu được kiểm tra sức khỏe miễn phí và nhận các phần quà là trang thiết bị bảo hộ lao động và sơ cứu y tế.
Người thu gom phế liệu được kiểm tra sức khỏe miễn phí và nhận các phần quà là trang thiết bị bảo hộ lao động và sơ cứu y tế.

Đặc biệt, vào tháng 4 năm 2024 vừa qua, Mạng lưới Người thu gom và EkoCenter Đà Nẵng đã trao tặng 50 thẻ bảo hiểm y tế cho 50 cô chú làm nghề thu gom phế liệu những người gặp khó khăn trong việc chi trả dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Hoạt động giúp mang lại sự an toàn và an tâm cần thiết cho những người lao động này.

Cô Liên, thành viên của Mạng lưới Người thu gom, xúc động khi hay tin mình được tặng thẻ bảo hiểm y tế: “Vì cô có bệnh nền nên cô cần phải duy trì bảo hiểm liên tục, chứ không biết khi nào bệnh chuyển nặng. Khi biết được tặng bảo hiểm, cô vui quá trời, vì cô vừa mới hết hạn bảo hiểm luôn, hỗ trợ như rứa đã là nhiều lắm rồi.”

Mặc dù không công tác chính thức tại bất kỳ doanh nghiệp nào, nhưng thông qua những hỗ trợ của Mạng lưới Người thu gom và EkoCenter Đà Nẵng, những người thu gom rác thải phi chính thức tại địa bàn Đà Nẵng vẫn đang tiếp cận với nhiều “chế độ phúc lợi” như khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra, trị liệu, hỗ trợ phẫu thuật mắt miễn phí… tại các bệnh viện bởi các y bác sĩ có chuyên môn.

BIẾN RÁC THẢI THÀNH NGUỒN THU NHẬP VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Xử lý rác thải được xem là một gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Việc phân loại rác nếu như được thực hiện ngay tại nguồn thu rác sẽ giúp giảm thiểu phần nào chi phí này, giảm ô nhiễm môi trường và có thể tận dụng lại các phế liệu tái chế được. Đối với người thu gom phế liệu, đây còn là cơ hội kiếm thêm thu nhập.

Từ tháng 3/2024, Mạng lưới Người thu gom và Trung tâm EkoCenter Đà Nẵng đang thực hiện chương trình “Thu hồi rác tái chế tại các doanh nghiệp, và các cơ sở kinh doanh”, kết nối các cơ sở kinh doanh và người thu gom lại để phân loại rác thải nhanh chóng thuận tiện hơn ngay tại nguồn. Doanh nghiệp tham gia sẽ được nhận dịch vụ xử lý phân loại rác miễn phí và người thu gom tham gia quá trình phân loại rác có thể có thêm nguồn thu ổn định.

Chị Sương, thành viên của Mạng lưới Người thu gom, chia sẻ: “Mình bắt đầu công việc thu gom từ khi khách sạn kia được khánh thành, và đã phải trả phí để có thể thu gom tại đó, nhưng bây giờ mình được thu gom miễn phí vì khách sạn đã đồng ý tham gia chương trình thu gom rác của Mạng lưới Người thu gom.” Khi biết rằng Mạng lưới Người thu gom tiếp tục tổ chức nhiều chương trình liên quan đến bảo vệ môi trường, chị Sương rất sẵn lòng tham gia các sự kiện và hoạt động này.

Gia tăng phúc lợi dành cho người thu gom phế liệu phi chính thức - Ảnh 1

Tiến sĩ Kasia Weina, Giám đốc và Đồng sáng lập ReForm Plastic, nhấn mạnh: “Sự kết hợp giữa EkoCenter Đà Nẵng và Mạng lưới Người thu gom có thể được xem là đã mang đến “phúc lợi” với rất nhiều người thu gom trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đồ bảo hộ lao động, kiến thức bảo vệ sức khỏe trong quá trình thu gom là “phúc lợi” chưa từng có mà họ nhận được trong thời gian làm nghề, nhưng phúc lợi to lớn hơn đó là chính là sinh kế được đảm bảo khi người thu gom được từng bước hỗ trợ chuyển sang lĩnh vực quản lý chất thải chính thức.”