19:01 25/06/2024

Giá vải thiều tăng cao, Bắc Giang dự kiến tổng doanh thu năm 2024 đạt khoảng 6.500 tỷ đồng

Chu Khôi

Giá bán trái vải thiều tại các vườn trồng ở tỉnh Bắc Giang hiện lên tới 55.000 - 90.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với năm ngoái. Tuy nhiên do sản lượng trái vải thu hoạch chỉ bằng 50% so với mọi năm, nên dự tính tổng giá trị trái vải toàn tỉnh Bắc Giang năm 2024 sẽ giảm 300 tỷ đồng so với năm ngoái, ước đạt 6.500 tỷ đồng…

Vải thiều năm nay mất mùa nhưng được giá.
Vải thiều năm nay mất mùa nhưng được giá.

Chia sẻ bên lề cuộc họp Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 25/6/2024, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, cho biết tính đến hết ngày 22/6/2024, sản lượng vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thu hoạch và tiêu thụ đạt 78.750 tấn, đạt 78,9% kế hoạch. Trong đó, sản lượng vải sớm là 47.239 tấn, vải chính vụ 31.511 tấn.

Riêng huyện Lục Ngạn, tổng sản lượng đã thu hoạch và tiêu thụ là 47.643 tấn, đạt 87,4% kế hoạch. Trong đó, vải sớm là 24.293 tấn, vải thiều 23.350 tấn.

SẢN LƯỢNG GIẢM NHƯNG GIÁ BÁN CAO GẤP 3 LẦN NĂM TRƯỚC

Năm 2023, sản lượng trái vải thu hoạch của tỉnh Bắc Giang đạt 205.000 tấn, với tổng giá trị 6.800 tỷ đồng. Năm 2024, tỉnh Bắc Giang vẫn duy trì diện tích cây vải khoảng 29.700 ha như năm ngoái. Tuy nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi, khiến tỷ lệ ra hoa và kết trái rất thấp, năng suất chỉ còn bằng một nửa so với mọi năm.

 

"Với phương châm lấy giá bán bù sản lượng, dự kiến tổng doanh thu từ trái vải trên toàn tỉnh Bắc Giang năm 2024 ước đạt 6.500 tỷ đồng, giảm 300 tỷ đồng so với năm 2023".

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang.

Mùa thu hoạch vải năm 2024 tại tỉnh Bắc Giang, đối với vải chín sớm diện tích 7.700 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải chính vụ diện tích 22.000 ha, sản lượng ước 50.000 tấn. Hiện Bắc Giang có 15.600 ha vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước 50.000 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82 ha, sản lượng ước 500 tấn.

“Năm nay sản lượng vải toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt khoảng 100 nghìn tấn, bằng khoảng 50% so với năm 2023. Các vùng vải được chăm sóc theo quy trình bảo đảm an toàn, thời gian thu hoạch từ 20/5 đến 30/7, trong đó thu hoạch vải sớm từ 20/5 đến 15/6, vải chính vụ từ 10/6 trở đi”, ông Thành thông tin.

Ông Thành cho biết bù lại việc giảm sản lượng, giá bán trái vải năm nay  cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể: giá bán vải sớm từ 60.000 - 110.000 đồng/kg; vải thiều từ 55.000 - 90.000 đồng/kg. Năm nay, vải thiều mất mùa, sản lượng vải ít nên các thương nhân, doanh nghiệp phải đến tận vườn thu mua thì mới có thể mua được vải.

Mặc dù, vụ vải thiều năm nay không được mùa như những vụ trước, song với quan điểm tiếp tục duy trì thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tăng giá trị sản phẩm, Bắc Giang chủ động kế hoạch xúc tiến tiêu thụ. Cùng với hướng dẫn nâng cao chất lượng quả vải, các cấp, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động kết nối, giới thiệu để đưa vải thiều vươn xa hơn.

“Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 10 buổi làm việc với các doanh nghiệp đi khảo sát vùng nguyên liệu xuất khẩu. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện về sơ chế, đóng gói, công nghệ bảo quản phục vụ xuất khẩu sang thị trường: Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản, Thái Lan… Nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với nông dân để xuất khẩu trái vải ra thị trường thế giới như: Ameii, Vifoco, Toàn Cầu, Rồng Đỏ, Mova, Tập đoàn Logistics 528…”, ông Thành chia sẻ.

XUẤT KHẨU CHIẾM 70% SẢN LƯỢNG 

Để đảm bảo chất lượng vải phục vụ xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã số vùng trồng, diện tích trên 17 nghìn ha, sản lượng ước đạt 34.000 tấn. Trong đó. thị trường Trung Quốc có 130 mã số vùng trồng, diện tích trên 16,2 nghìn ha, sản lượng ước đạt 30.000 tấn. Sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, EU, Hàn Quốc ước đạt 4.000 tấn (Hoa Kỳ 18 mã số vùng trồng, Nhật Bản 38 mã số vùng trồng, Australia 18 mã số vùng trồng…).

Năm nay, Bắc Giang dự kiến tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu khoảng 70.000 tấn, chiếm 70% sản lượng toàn tỉnh. Trong đó, tiếp tục duy trì xuất khẩu quả vải tươi và sản phẩm vải chế biến sâu. Thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, tiêu thụ lớn, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua.

Để tiếp tục hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều gắn với phát triển du lịch.

Đồng thời tiếp tục quản lý tốt vùng trồng, vùng sản xuất vải thiều đảm bảo các điều kiện sạch và an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, đảm bảo các quy định về kiểm soát dịch hại, an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu. Tiếp tục giới thiệu, mời gọi và kết nối các thương nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, giám sát thu mua, tiêu thụ vải thiều.

Ông Thành cho biết từ nay đến cuối vụ, các đơn vị chuyên môn của ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố tiếp tục hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng quả vải phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; rà soát, đánh giá tất cả mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thực hiện tốt các quy định của nước nhập khẩu về kiểm soát dịch hại, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể, lấy 50 mẫu phân tích dư lượng đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu đi thị trường có giá trị kinh tế cao (Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản..); hướng dẫn các hộ sản xuất trong vùng trồng chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch và chuẩn bị cho công tác kiểm tra thực địa vùng trồng.

Về lâu dài, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, cho rằng ảnh hưởng của biến đổi khi hậu đến sự phát triển cây vải của tỉnh Bắc Giang ngày càng rõ. Do đó, cần phải nghiên cứu sinh trưởng của cây vải để tìm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.

"Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang sẽ mời các Viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp, các nhà khoa học đến để nghiên cứu, nhằm tạo ra các giống cây vải chống chịu được với thời tiết cực đoan, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác, sẽ nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để trái vải ra hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả cao, ngăn chặn sự rụng trái để các năm sau không còn xảy ra tình trạng “mất mùa” vải thiều như năm nay", ông Thành thông tin.