Giá vàng bật tăng nhờ lực bắt đáy, áp lực giảm từ lãi suất vẫn đang lớn
Trong nước, giá vàng miếng sáng nay tăng 200.000-300.000 đồng/lượng và tiếp tục cao hơn giá vàng thế giới quy đổi gần 18 triệu đồng/lượng...
Giá vàng thế giới tăng khá mạnh và lấy lại mốc chủ chốt 1.700 USD/oz khi đồng USD rời đỉnh 20 năm và một số nhà đầu tư tranh thủ mua vào sau đợt giảm giá liên tiếp gần đây của kim loại quý này. Tuy nhiên, triển vọng giá vàng vẫn đang bị phủ bóng bởi chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt của các ngân hàng trung ương lớn.
Trong nước, giá vàng miếng sáng nay tăng 200.000-300.000 đồng/lượng và tiếp tục cao hơn giá vàng thế giới quy đổi gần 18 triệu đồng/lượng.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 15,7 USD/oz, tương đương tăng 0,9%, chốt ở 1.718,9 USD/oz. Lúc gần 10h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,8 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, còn 1.718,1 USD/oz - theo dữ liệu từ Kitco.com.
Sau khi lập đỉnh mới kể từ năm 2002 ở mức gần 110,8 điểm, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm 0,7% khi đóng cửa phiên ngày thứ Năm tại New York, còn 109,8 điểm. Sáng nay, chỉ số này dao động quanh mức 109,7 điểm, từ mức 110,5 điểm vào sáng hôm qua.
Việc đồng USD giảm khỏi đỉnh giúp giải toả bớt áp lực mất giá đối với vàng. Ngoài ra, Giám đốc giao dịch kim loại quý David Meger của High Ridge Futures nói rằng giá vàng hồi phục là nhờ “một sự kết hợp giữa nhu cầu phòng ngừa rủi ro và lực mua ở vùng giá thấp”.
Ông Meger nhấn mạnh rằng xu hướng tăng giá của USD và lập trường cứng rắn của Fed sẽ tiếp tục là nguồn sức ép mất giá đối với vàng trong thời gian tới.
“Giá vàng gần đây diễn biến giống với một tài sản rủi ro hơn là một tài sản an toàn. Câu hỏi đặt ra là tới khi nào chúng ta sẽ chứng kiến vàng phát huy tốt hơn vai trò kênh đầu tư an toàn, vì các nền kinh tế đang bắt đầu giảm tốc do lãi suất tăng”, ông Merger nói với hãng tin Reuters.
Sau khi tăng vượt mốc 2.000 USD/oz hồi tháng 3, không lâu sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine, giá vàng thế giới đến nay đã giảm hơn 300 USD/oz do sự dịch chuyển mạnh mẽ sang lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn của các ngân hàng trung ương.
Gần đây, các số liệu cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ đã khiến các nhà giao dịch đặt cược nhiều hơn vào khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 20-21/9. Theo dữ liệu từ sàn CME, mức độ đặt cược vào bước nhảy lãi suất này hiện đang là hơn 76%.
Trong cuộc họp vào ngày thứ Năm (8/9), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất với bước nhảy 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm.
Lúc gần 10h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,9 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 51,05 triệu đồng/lượng và 51,85 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,1 triệu đồng/lượng và 66,9 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.460 đồng (mua vào) và 23.740 đồng (bán ra), tăng 50 đồng so với sáng qua. Trong vòng 3 ngày, tỷ giá USD tại ngân hàng này tăng 140 đồng, phản ánh đà tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Với giá USD bán ra như trên, giá vàng thế giới hiện tương đương 49,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi 17,8 triệu đồng/lượng.