10:05 28/06/2022

Giá vàng loay hoay tìm phương hướng giữa lúc chờ tin ngân hàng trung ương

Điệp Vũ

Một chuyên gia nói rằng "nhìn về dài hạn, vàng vẫn hấp dẫn vì kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong năm 2022”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Giá vàng thế giới giằng co trong vùng hẹp trong lúc giới đầu tư chờ tín hiệu chính sách từ một diễn đàn do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức. Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (28/6) đồng loạt đi xuống, tiếp tục chênh cao hơn khoảng 17 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế quy đổi.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 3,7 USD/oz, tương đương giảm 0,2%, còn 1.823,7 USD/oz. Lúc hơn 9h sáng nay, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 2,3 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, đứng ở 1.826 USD/oz.

Giá vàng được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu và nỗi lo suy thoái kinh tế cộng thêm lạm phát tăng cao trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc nhiều ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát vẫn đang là nhân tố gây áp lực giảm lên giá vàng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cũng gây bất lợi cho giá kim loại quý này.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay dao động dưới mốc 104 điểm, từ mức hơn 104 điểm vào sáng hôm qua. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên ngưỡng 3,2%, từ mức hơn 3,1% vào cuối tuần trước.

Trong ngắn hạn, triển vọng của giá vàng rất khó đoán bởi “có sự bấp bênh lớn trong mùa hè này”, giữa một bên là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trở nên cứng rắn hơn và một bên là nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế - nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nói với hãng tin CNBC.  “Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, vàng vẫn hấp dẫn vì kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong năm 2022”.

Vàng là tài sản an toàn hàng đầu, thường được nhà đầu tư nắm giữ để phòng ngừa lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế. nhưng mặt khác, vàng là tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng đồng USD nên vàng thường giảm giá trong môi trường lãi suất tăng và/hoặc USD tăng giá, và ngược lại.

Biến động không rõ xu hướng của giá vàng còn phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước khi các lãnh đạo ngân hàng trung ương, gồm Chủ tịch ECB Christine Lagarde và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, tham dự một diễn đàn thường niên do ECB đăng cai ở Sintra, Bồ Đào Nha.

Từ đầu năm đến nay, Fed đã có 3 lần nâng lãi suất, trong đó có một lần nâng với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6 - mạnh nhất kể từ năm 1994. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đến tháng 6 đã có 5 lần nâng lãi suất liên tiếp. ECB dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 7.

Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.110 đồng (mua vào) và 23.390 đồng (bán ra), không thay đổi so với hôm qua.

Với tỷ giá USD bán ra này, giá vàng thế giới quy đổi hiện tương đương khoảng 51,5 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với sáng qua và thấp hơn khoảng 17 triệu đồng/lượng so với giá vàng miếng SJC bán lẻ. Sáng qua, giá vàng miếng trong nước chênh thế giới 16,8 triệu đồng/lượng.

Lúc gần 10h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 67,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,5 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,7 triệu đồng/lượng và 54,5 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 67,9 triệu đồng/lượng và 68,6 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.