09:17 27/06/2022

Giá vàng bật tăng sau tin G7 tính cấm nhập khẩu vàng Nga

Điệp Vũ

Giá vàng thế giới bật tăng trong phiên giao dịch sáng nay (27/6), sau khi có tin nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) chuẩn bị công bố lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga. Giá vàng trong nước tăng theo, nhưng khá dè dặt...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Theo tin từ Bloomberg, tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 đang diễn ra tại Đức, lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada dự kiến sẽ công bố một lệnh cấm nhập khẩu đối với vàng có nguồn gốc từ Nga.

Xét tới vai trò trung tâm của London trong giao dịch vàng, “biện pháp này sẽ có ảnh hưởng toàn cầu, khiến vàng Nga không thể được giao dịch trên thị trường quốc tế chính thức” và tạo ra “tác động to lớn” đối với khả năng huy động ngân sách của Nga - một tuyên bố của Chính phủ Anh nhận định.

NGA BỊ LOẠI KHỎI 2 THỊ TRƯỜNG VÀNG LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Trên thực tế, vàng được vận chuyển giữa Nga và thị trường London đã giảm về mức gần như bằng 0 kể từ khi phương Tây áp trừng phạt lên Nga liên quan tới chiến tranh Nga-Ukraine. Vào tháng 3, Hiệp hội Thị trường Vàng London (LBMA) - tổ chức thiết lập tiêu chuẩn cho thị trường này, đã loại các nhà tinh luyện vàng của Nga khỏi danh sách được công nhận.

“Động thái mới của G7 chỉ là sự chính thức hoá những gì mà ngành công nghiệp vàng đã làm đến thời điểm này”, ông Adrian Ash, trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty môi giới vàng BullionVault, nhận định.

Lệnh cấm mà G7 sắp công bố sẽ áp dụng đối với vàng có xuất xứ từ Nga và Bộ Tài chính Mỹ sẽ đưa ra lệnh cấm chính thức vào ngày thứ Ba tuần này - nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg. Theo một sắc lệnh được Tổng thống Joe Biden ký vào hôm 15/4, các cá nhân và tổ chức ở Mỹ đã bị cấm tham giao vào các giao dịch liên quan đến vàng với Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), Quỹ Lợi ích Quốc gia (NWF) của Nga và Bộ Tài chính Nga.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đến nay đã khiến vàng từ Nga - nước khai mỏ vàng lớn thứ nhì thế giới - về cơ bản bị “cấm cửa” tại châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, động thái mới nhất từ G7 sẽ đánh dấu sự cắt đứt hoàn toàn giữa Nga với hai trung tâm giao dịch vàng lớn nhất thế giới là London và New York.

Các quốc gia còn lại trong G7 bao gồm Đức, Pháp và Italy.

London vốn là một trong những điểm đến quan trọng nhất của vàng Nga. Trong năm ngoái, vàng Nga chiếm 28% tổng nhập khẩu vàng của Anh và mang về cho Nga kim ngạch 15 tỷ USD – theo dữ liệu từ UN Comtrade.

Giá vàng bật tăng sau tin G7 tính cấm nhập khẩu vàng Nga - Ảnh 1

Về lý thuyết, các công ty tinh luyện vàng vẫn có thể nhập khẩu vàng trực tiếp từ Nga, nhưng phần lớn các công ty này đều tuyên bố dừng nhập vàng Nga. Hiệp hội các nhà tinh luyện vàng Thuỵ Sỹ phủ nhận việc cho rằng các thành viên của hiệp hội vẫn nhập vàng Nga, sau khi dữ liệu thương mại cho thấy vàng Nga nhập cảnh vào Thuỵ Sỹ.

Trong bối cảnh giới giàu Nga đổ xô mua vàng để tránh ảnh hưởng tài chính từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, lệnh cấm mới của G7 sẽ “đánh thẳng vào các nhà tài phiệt Nga” - Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định trong một tuyên bố. Cũng theo tuyên bố này, lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga sẽ nhanh chóng có hiệu lực và áp dụng đối với vàng mới khai mỏ hoặc vàng tinh luyện đến từ Nga.

Dòng chảy các kim loại khác từ Nga như đồng, nickel và palladium vẫn duy trì, vì thế giới vẫn đang có sự phụ thuộc rất lớn vào các hàng hoá cơ bản này từ Nga - một nhà cung cấp hàng đầu. Về phần mình, Nga có thể tìm kiếm các thị trường mới cho việc xuất khẩu vàng và tìm cách xuất khẩu vàng nhiều hơn sang các thị trường như Trung Quốc và Trung Đông.

NHỮNG MỐC GIÁ QUAN TRỌNG CỦA TUẦN NÀY

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 9h sáng nay theo giờ Việt Nam đứng ở 1.836,7 USD/oz, tăng 9,3 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York. Mức giá này tương đương gần 51,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối tuần.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.110 đồng (mua vào) và 23.390 đồng (bán ra), không thay đổi so với mức chốt của tuần trước.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 16,8 triệu đồng/lượng.

Lúc hơn 9h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 67,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,6 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối tuần, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,8 triệu đồng/lượng và 54,6 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 67,95 triệu đồng/lượng và 68,65 triệu đồng/lượng, giá mua tăng 100.000 đồng/lượng nhưng giá bán không thay đổi so với cuối tuần.

Theo giới chuyên gia, ngoài lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga của G7, giá vàng quốc tế còn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu nắm giữ vàng trong bối cảnh lạm phát tăng cao và kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt tốc. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá của đồng USD và việc các ngân hàng trung ương mạnh tay nâng lãi suất để chống lạm phát là những yếu tố gây áp lực giảm lên giá vàng.

Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda cho rằng 1.800 USD/oz là mốc giá vàng cần theo dõi trong tuần này.  “Vàng đang trượt khỏi một số mốc kỹ thuật chủ chốt. Tôi nghĩ giá vàng cần phải giữ được mốc 1.800 USD/oz” để bán tháo không xảy ra. Giá vàng đã tích luỹ thời gian gần đây và không thể bứt phá vì đồng USD tăng giá”, ông Moya nói.

Còn theo chuyên gia Everett Millman của Gainesville Coins, để bứt phá, giá vàng cần vượt mốc 1.850 USD/oz, tiếp đến là 1.900 USD/oz. Ông cũng tin rằng nếu suy thoái xảy ra, giá vàng có thể vượt 1.900 USD/oz một cách nhanh chóng.