19:19 27/06/2022

Loạt dấu hiệu suy thoái kinh tế Mỹ

Bình Minh

Thị trường chứng khoán lao dốc, lạm phát tăng vọt, và lãi suất đi lên… tất cả đều khiến người Mỹ trở nên bi quan về triển vọng kinh tế...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là một vấn đề khiến giới đầu tư không chỉ ở Phố Wall mà còn trên toàn cầu lo ngại trong thời gian gần đây. Thị trường chứng khoán lao dốc, lạm phát tăng vọt, và lãi suất đi lên… tất cả đều khiến người Mỹ trở nên bi quan về triển vọng kinh tế.

Trong tháng này, nền kinh tế lớn nhất thế giới phát đi nhiều tín hiệu của một cuộc suy thoái, bao gồm niềm tin người tiêu dùng giảm xuống mức thấp kỷ lục và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên mức cao nhất 40 năm. Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái tăng lãi suất mạnh nhất 28 năm, đặt ra nguy cơ sụt tốc kinh tế mạnh hơn nữa.

Ở thời điểm hiện tại, kinh tế Mỹ chưa chính thức suy thoái, nhưng các dấu hiệu đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn, từ thị trường hàng hoá cơ bản cho tới thị trường bất động sản.

Dưới đây là một số dấu hiệu suy thoái kinh tế Mỹ trong tuần vừa rồi, do trang CNN Business điểm lại:

GIÁ KIM LOẠI ĐỒNG

Giá đồng tụt xuống mức thấp nhất 16 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm tuần trước, sau khi giảm 11% trong vòng 2 tuần. Đó là một tin xấu đối với những nhà đầu tư xem giá đồng như một “thước đo” sức khoẻ kinh tế toàn cầu.

Đồng được sử dụng phổ biến làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu đầu vào trong sản xuất công nghiệp. Do đó, nhu cầu đồng thường gia tăng khi kinh tế tăng trưởng và giảm sút khi kinh tế suy thoái.

Đầu năm nay, giá đồng tăng vọt khi Nga - quốc gia chiếm 4% sản lượng đồng toàn cầu - mở “chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”. Ở thời điểm đó, thị trường lo ngại về khả năng khan hiếm nguồn cung đồng nên ồ ạt gom mua.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, giá đồng đang giảm liên tục. “Giá đồng bắt đầu phản ánh thực tế là tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại”, chiến lược gia hàng hoá cơ bản Daniel Ghali thuộc TD Securities nhận định.

CHỈ SỐ NHÀ QUẢN TRỊ MUA HÀNG (PMI)

Chỉ số PMI Mỹ do S&P Global công bố vào hôm thứ Năm vừa rồi cho thấy sản lượng của khu vực kinh tế tư nhân nước này giảm tốc mạnh trong tháng 6.

Ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng của S&P Global Market Intelligence, nói rằng các nhà sản xuất hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh về số lượng đơn hàng do người tiêu dùng chật vật vì giá cả leo thang.

Việc Fed tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát khiến cho tâm lý càng thêm phần bi quan. “Niềm tin của các doanh nghiệp hiện đang ở mức độ thường báo trước một thời kỳ suy thoái kinh tế”, vị chuyên gia nói.

NIỀM TIN TIÊU DÙNG

Kết quả khảo sát được Đại học Michigan công bố hôm thứ Sáu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong tháng 6. Đây là mức điểm thấp nhất ghi nhận trong cuộc khảo sát được bắt đầu thực hiện cách đây 70 năm.

Nếu so với tháng 5, chỉ số của tháng 6 giảm 14,4%, trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ ngày càng lo ngại về lạm phát. Khoảng 79% người tiêu dùng được hỏi nói rằng họ kỳ vọng các điều kiện kinh doanh xấu đi trong năm tới - tỷ lệ cao nhất kể từ khi thông số này được thiết lập vào năm 2009.

Tỷ lệ người tiêu dùng cho rằng lạm phát đang bào mòn mức sống của họ là 47% trong cuộc khảo sát tháng 6. Con số này chỉ thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức cao kỷ lục mọi thời đại trong cuộc suy thoái kinh tế Mỹ hậu khủng hoảng tài chính 2008-2009.

“Khi việc tăng giá ngày càng khó tránh khỏi, người tiêu dùng cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài thay đổi thói quen chi tiêu, chẳng hạn tìm hàng hoá thay thế hoặc từ bỏ việc mua sắm”, bà Joanna Hsu, Giám đốc phụ trách khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan, phát biểu. “Tốc độ và mức độ của những điều chỉnh này sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến đường đi của nền kinh tế”.

GIÁ XĂNG

Tin tốt là người Mỹ có thể chứng kiến sự “giảm nhiệt” của giá xăng trong thời gian tới. Nhưng cũng có một tin xấu: đó chẳng qua là bởi các nhà giao dịch đang đặt cược vào nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế.

Do giá xăng cao kỷ lục, người Mỹ có thể bắt đầu giảm tiêu thụ xăng vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, khiến nhu cầu giảm đi, và giá xăng giảm theo. Giá xăng giảm như vậy có thể giải toả bớt áp lực đối với người tiêu dùng, nhưng cũng phản ánh những mối lo kinh tế lớn hơn.

“Những gì đang diễn ra trên thị trường đều phản ánh mối lo suy thoái”, Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group nhận định trong một báo cáo hồi đầu tuần trước. Ông cho rằng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay là 99% vì “chẳng có gì là 100% cả”.

THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN XUỐNG DỐC

Có một điều khả quan là sự “hạ nhiệt” của thị trường địa ốc có thể sẽ không gây ra tổn thất cho nền kinh tế hay thị trường chứng khoán Mỹ.

Giá nhà ở Mỹ đã tăng vọt từ giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19, khiến việc sở hữu nhà trở thành một việc ngoài tầm tay của nhiều người Mỹ. Sau đó, cơn sốt này bắt đầu chững lại khi lãi suất các khoản vay mua nhà tăng vọt vì Fed nâng lãi suất và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh.

Cổ phiếu của Lennar, một công ty xây dựng ở Mỹ, đã giảm gần 45% trong năm nay. Hôm thứ Tư tuần trước, Lennar công bố kết quả kinh doanh quý 2 khả quan hơn dự báo, nhưng CEO của công ty này vẫn thận trọng, nói rằng đây là “một thời điểm phức tạp trên thị trường”.

Thị trường địa ốc Mỹ suy yếu, nhưng giới chuyên gia cho rằng lần này sẽ không có ảnh hưởng lan rộng trong nền kinh tế như lần vỡ bong bóng bất động sản hồi năm 2008.

“Tình hình tài chính của các ngân hàng hiện ổn hơn trước nhiều, và họ cũng không cho vay nhiều đối với những khách hàng có điểm tín dụng kém”, Giám đốc đầu tư Michael Sheldon của RDM Financial Group nhận định. “Nếu kinh tế có suy thoái, ảnh hưởng đến thị trường nhà đất có thể không lớn, vì trên thị trường không có nhiều mất cân đối như trước kia”.