10:57 26/11/2009

Giá vàng “nhảy múa” quanh mốc 29 triệu đồng

Kiều Oanh

Phiên tăng giá mạnh mẽ với biên độ hơn 2% của giá vàng thế giới đã kéo giá vàng trong nước tái lập ngưỡng 29 triệu đồng/lượng

Sự xuất hiện trở lại của ngưỡng giá 29 triệu đồng/lượng trên thị trường vàng đang có tác động khá mạnh tới tâm lý của người dân - Ảnh: Quang Liên.
Sự xuất hiện trở lại của ngưỡng giá 29 triệu đồng/lượng trên thị trường vàng đang có tác động khá mạnh tới tâm lý của người dân - Ảnh: Quang Liên.
Phiên tăng giá mạnh mẽ với biên độ hơn 2% của giá vàng thế giới đêm qua đã kéo giá vàng trong nước sáng nay tái lập ngưỡng 29 triệu đồng/lượng. Như vậy, thị trường vàng trong nước đã trở lại gần sát mức giá đỉnh điểm 29,3 triệu đồng/lượng trong cơn sốt vào các ngày 11-12/11 vừa qua.

Ở thời điểm 9h45 sáng nay, giá vàng miếng các thương hiệu trong nước phổ biến ở mức 28,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 29,1 triệu đồng/lượng (bán ra). So với giá áp dụng cuối giờ chiều qua, giá vàng do các doanh nghiệp kim hoàn thu mua đã tăng bình quân 300.000 đồng/lượng, trong khi giá bán ra đội thêm 400.000 đồng/lượng.

Tuy nhiên, do sự điều chỉnh giảm của tỷ giá USD thị trường tự do sau các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước hôm qua, mốc giá 29 triệu đồng/lượng của giá vàng trong nước sáng nay tại một số doanh nghiệp kim hoàn tỏ ra không bền vững.

Ngoài ra, tình trạng khác biệt giá vàng tại các công ty vàng bạc khác nhau từ chiều qua đã kéo dài sang sáng nay. Nhiều doanh nghiệp công bố giá vàng chênh nhau tới cả trăm nghìn đồng mỗi lượng. Ngoài ra, khoảng cách giữa giá mua và giá bán vàng cũng được các doanh nghiệp niêm yết khá rộng, phổ biến 200.000 - 300.000 đồng/lượng nhằm hạn chế rủi ro.

Tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý lúc 9h45 để giá vàng miếng hiệu SJC ở mức 28,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 29,05 triệu đồng/lượng bán ra. Sau đó chừng 10 phút, giá vàng SJC tại công ty này lại được hạ xuống 28,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 28,95 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tương tự, tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng Rồng Thăng Long sáng nay đã có thời điểm để ở mức 28,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 29,05 triệu đồng/lượng (bán ra), trước khi hạ về mức 28,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 28,95 triệu đồng/lượng (bán ra) ở thời điểm gần 10h.

Đến thời điểm 8h45, hệ thống Sacombank đã điều chỉnh giá vàng lần thứ 3 trong ngày, với giá vàng miếng SBJ đứng ở 28,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 29,15 triệu đồng/lượng (bán ra). Tới thời điểm 10h, mức giá này vẫn chưa được thay đổi.

Trong khi đó, trên website của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng SJC tại thị trường Tp.HCM cập nhật từ lúc 9h37 là 28,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 28,85 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn đáng kể so với giá vàng giao dịch tại Sacombank.

Sự xuất hiện trở lại của ngưỡng giá 29 triệu đồng/lượng trên thị trường vàng đang có tác động khá mạnh tới tâm lý của người dân. Nếu như cho tới ngày hôm qua, thị trường nghiêng về hoạt động mua vào, thì tới sáng nay, khi giá vàng “nhảy múa” quanh ngưỡng 29 triệu đồng/lượng, số người đi bán vàng lại chiếm ưu thế.

Ông Trần Việt Nam, đại diện khối vàng miếng của Bảo Tín Minh Châu cho biết, 90% khách tới giao dịch vàng vật chất tại công ty này trong sáng nay là khách bán. “Đây phần lớn là những khách đã trót mua với giá cao trước đây. Nay thấy đã hòa vốn nên họ vội đi bán ngay, khối lượng họ bán ra cũng chưa phải là nhiều”, ông Nam cho biết.

Rút kinh nghiệm từ những đợt sốt giá trước, các nhà đầu tư có ý định mua vàng đang phản ứng khá dè dặt trước những bước leo thang mạnh của giá vàng thế giới và trong nước. Trong những ngày gần đây, dù lực cầu vàng miếng chiếm ưu thế, nhưng người dân mua cũng không quá mạnh. Và khi giá vàng vượt qua mức 29 triệu đồng/lượng trong sáng nay, hoạt động bán ra đã có chiều hướng tăng. Trong đợt giá vàng tăng giảm chóng mặt vừa qua, thị trường vàng vật chất mua khi giá tăng và bán khi giá xuống.

Trên các sàn vàng, giá vàng khớp lệnh phiên sáng nay tăng mạnh theo tỷ giá USD/VND thị trường ngân hàng. Trên sàn SBJ, giá vàng khớp lệnh tính tới thời điểm 10h10 dao động từ 26,28-26,66 triệu đồng/lượng, kéo phí rút vàng xuống còn 2,6 triệu đồng/lượng, từ mức trên 3,5 triệu đồng/lượng trong mấy ngày gần đây.

Các nhà đầu tư trên sàn SBJ sáng nay tỏ ra thận trọng trước những bước nhảy mạnh của giá vàng, với khối lượng khớp lệnh đạt chưa đầy 160.000 lượng tính tới thời điểm 10h15.

Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước hôm nay công bố là 17.961 VND/USD, tăng 927 VND/USD so với hôm qua. Ngày 25/11, Ngân hàng Nhà nước đã công bố một số biện pháp can thiệp quan trọng vào thị trường tiền tệ, trong đó có việc nâng mạnh tỷ giá USD/VND liên ngân hàng và thu hẹp biên độ tỷ giá từ +/-5% về +/-3% kể từ ngày hôm nay (26/11).

Tại Ngân hàng Vietcombank, giá mua và bán USD công bố cho sáng nay là 18.485 VND/USD và 18.490 VND/USD.

Giá vàng thế giới đêm qua tăng vọt do đồng USD trượt giá mạnh và hoạt động gom mua ồ ạt của giới đầu tư.

Tỷ giá đồng “bạc xanh” đêm qua và sáng nay đã tụt xuống mức thấp nhất so với đồng Yên Nhật trong 14 năm, và thấp nhất so với đồng Euro trong 15 tháng. So với Euro, tỷ giá USD tại thị trường Tokyo sáng nay phổ biến ở mức trên 1,51 USD tương đương 1 Euro, từ mức gần 1,50 USD đổi được 1 Euro ở sáng qua.

Áp lực mất giá đối với USD vẫn đến từ triển vọng lãi suất thấp kỷ lục của đồng tiền này sẽ tiếp tục được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì cho tới khi sự phục hồi kinh tế của nước này trở nên vững chắc. Mặt khác, những tín hiệu kinh tế khả quan trong nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng đang thúc đẩy giới đầu tư chuyển vốn từ các tài sản USD sang những tài sản có độ rủi ro và khả năng sinh lợi cao hơn như chứng khoán, hàng hóa cơ bản...

Tuy nhiên, phiên tăng giá 2,1% của giá vàng giao ngay tại thị trường New York đêm qua còn có sự đóng góp quan trọng của hoạt động gom mua vàng mạnh mẽ của giới đầu tư quốc tế.

Ngân hàng Trung ương Sri Lanka hôm qua tuyên bố họ vừa mua 10 tấn vàng, trị giá 375 triệu USD, từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Như vậy, đây là lần thứ ba IMF bán vàng cho các ngân hàng trung ương trong đợt bán hơn 403,3 tấn vàng đang diễn ra. Trước khi bán vàng cho Sri Lanka, IMF đã bán cho Ấn Độ 200 tấn vàng trị giá 6,7 tỷ USD và bán cho Maritus 2 tấn vàng trị giá 1,7 triệu USD.

Sau khi bán vàng cho Sri Lanka, IMF còn lại 190 tấn vàng trong số vàng dự định bán đợt này. Một số nguồn tin cho hay, Ấn Độ đang cân nhắc khả năng tiếp tục mua thêm vàng từ IMF.

Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR GoldTrust hôm qua cũng mạnh tay mua vàng. Lần này, SPDR Gold mua thêm 5,5 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ từ mức 1.122,4 tấn lên 1.127,9 tấn. Như vậy, trong ba ngày vừa qua, quỹ này liên tục mua vàng vào.

Chốt phiên giao dịch đêm qua tại New York, giá vàng giao ngay đội thêm 23,9 USD/oz (2,1%) so với giá đóng cửa phiên liền trước, đạt 1.193,1 USD/oz, cao chưa từng có trong lịch sử. Từ đầu tuần tới nay, giá vàng thế giới không có phiên nào là không đóng cửa ở mức kỷ lục.

Trong phiên giao dịch sáng nay tại châu Á, giá vàng biến động nhẹ trong khoảng 1.193-1.194 USD/oz. Mức giá này quy đổi theo tỷ giá USD thị trường tự do, cộng thêm thuế nhập khẩu 1% và phí gia công 30.000 đồng/lượng, sẽ tương ứng với 28,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng bán ra trong nước chừng 500.000 - 600.000 đồng/lượng.

Như vậy, dù vàng nguyên liệu đã được nhập về Việt Nam và sản xuất thành vàng miếng để bán ra thị trường, giá vàng trong nước vẫn duy trì một mức “vênh” đáng kể so với giá vàng thế giới.

Với việc giá vàng thế giới đã vượt các ngưỡng kháng cự 1.180 USD/oz và 1.190 USD/oz, trong khi lực mua của thị trường còn đang mạnh, giới phân tích dự báo, giá vàng thế giới sẽ chưa dừng ở mức giá hiện nay. Theo các chuyên gia của Sacombank-SBJ, ngưỡng kháng cự gần nhất của giá vàng hiện là mức 1.200 USD/oz, và dự kiến giá vàng thế giới sẽ đi trong biên độ 1.187-1.200 USD/oz trong ngày hôm nay.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1/2010 tại New York đêm qua đóng cửa ở mức 77,96 USD/thùng, tăng 1,94 USD/thùng (2,6%) so với giá đóng cửa phiên liền trước. Giá dầu tăng phiên này là nhờ USD trượt giá.

Tại thị trường châu Á sáng nay, giá dầu thô giảm nhẹ, về gần mức 77,5 USD/thùng.