06:27 25/08/2011

Giá vàng rớt “thảm” nói lên điều gì?

Diệp Anh

Đêm qua (24/8), giá vàng giao tháng 12 giảm 104 USD, xuống 1.757,30 USD/ounce, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 19/3/2008

Sự điều chỉnh giá vàng liên tiếp hai phiên vừa qua là bởi mặt hàng kim loại này đã tăng giá quá nóng và kéo dài.
Sự điều chỉnh giá vàng liên tiếp hai phiên vừa qua là bởi mặt hàng kim loại này đã tăng giá quá nóng và kéo dài.
Chốt phiên giao dịch đêm qua (24/8), giá vàng tương lai giảm 5,6%, mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ tháng 3/2008 tới nay, do những điều chỉnh bắt đầu diễn ra từ phiên 23/8 trở nên mạnh mẽ hơn, thúc đẩy nhà đầu tư bán tháo chốt lời.

Cụ thể, giá vàng loại hợp đồng tháng 12 giảm 104 USD, xuống còn 1.757,30 USD/ounce trên sàn Comex ở New York. Đây là mức giảm theo ngày tệ nhất của kim loại vàng hợp đồng giao sau kể từ ngày 19/3/2008, thời điểm đó vàng giảm tới 5,8%.

Trước đó, phiên giao dịch ngày 23/8, giá vàng tương lai cũng đã giảm 30,60 USD/ounce xuống 1.861,3 USD/ounce, nhưng sau đó lại được đẩy lên cao trong phiên giao dịch châu Á, do Nhật Bản bị tổ chức Moody's hạ bậc tín nhiệm.

Matt Zeman, chiến lược gia hàng đầu của hãng tài chính Kingsview ở Chicago, nhận định, giá vàng tương lai có thể còn giảm thêm 100 - 200 USD nữa, mặc dù về dài hạn vàng vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ từ tài chính và lạm phát.

Hiện các thị trường hàng hóa thế giới đang chờ đợi bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) vào cuối tuần này. Nhiều ý kiến cho rằng, FED sẽ không đưa ra thêm gói kích thích kinh tế nào. Và điều này sẽ khiến giá vàng rớt sâu hơn.

Trong bài phát biểu tương tự hồi năm ngoái, Chủ tịch FED đã công bố chương trình nới lỏng định lượng lần 2 (QE2). Theo giới phân tích, bất cứ tín hiệu nào về một chương trình tương tự như vậy cũng sẽ có lợi cho thị trường vàng.

Giám đốc chiến lược thị trường tại CMC Markets (Sydney), cảnh báo rằng các nhà đầu tư không nên quá lạc quan vào đợt nới lỏng có định lượng tiếp theo của Mỹ, "bởi chắc chắn đây không phải là giải pháp cho nền kinh tế số một thế giới này".

Cuối tuần trước, nhiều nhà phân tích đã đưa ra mức dự báo vàng sẽ chạm tới hoặc thậm chí là vượt qua ngưỡng 2.000 USD/ounce trong tương lai gần. Vài ngày gần đây, nhiều ngân hàng lớn như Citigroup và UBS cũng nâng dự báo giá vàng.

Tuy nhiên, đà bán tháo mạnh phiên hôm qua, cùng với việc xả hàng lên trên 31 tấn vàng chỉ trong vòng 2 ngày của Quỹ tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, cho thấy, khả năng giá vàng đã tăng trưởng quá nóng và đã tới lúc phải điều chỉnh.

Ngoài ra, cơn bão trên thị trường vàng suy yếu còn bởi đã có những số liệu kinh tế khả quan ở Mỹ cùng sự hồi phục trên các thị trường chứng khoán khiến nhà đầu tư chuyển sang cụ thể hóa lợi nhuận từ kim loại quý này.

Theo báo cáo của Markit Economics (London), chỉ số quản lý sức mua (PMI) của châu Âu trong tháng 8/2011 đã ổn định ở mức 51,1 điểm, cao hơn mức dự kiến của các nhà phân tích. Mức trên 50 điểm cho thấy sự tăng trưởng.

Trong khi đó, báo cáo mới đây của ngân hàng HSBC đã chỉ ra rằng PMI của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng tăng trong hai tháng liên tiếp, đạt mức 49,8 trong tháng 8/2011, so với mức tương ứng 49,3 của tháng trước đó.

Điều này giúp giảm bớt lo ngại về nền kinh tế giảm nhiệt quá nhanh của Trung Quốc. "Dữ liệu cho thấy, nguy cơ suy thoái vẫn còn xa", chuyên gia kinh tế Hongbin Qu của HSBC cho biết.

Hôm qua, báo cáo từ Mỹ cho biết, số lượng đơn đặt hàng tiêu dùng bền trong tháng 7 tăng mạnh, cao gấp đôi dự báo của giới phân tích. Đây cũng được xem là một tín hiệu tích cực, có thể xoa dịu những lo lắng về nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Phiên hôm qua, chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,28%, lên 11.319,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,31%, lên 1.177,54 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,88%, lên 2.467,69 điểm.

Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa rằng, những bất an của giới đầu tư quốc tế về tình hình kinh tế Mỹ, châu Âu và thế giới nói chung đã được xóa sạch. Theo giới phân tích, những lo lắng trước đó chỉ tạm lắng trước bài phát biểu của Chủ tịch FED.

Bằng chứng là, trong phiên 24/8, mặc dù chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của Phố Wall giảm xuống còn 35,36 điểm, nhưng vẫn còn khá cao, bởi nhà đầu tư tập trung mua cổ phiếu có giá trị truyền thống. Điều này cho thấy vẫn có những bất an trên thị trường.

Thêm vào đó, việc Nhật Bản hôm qua bị tổ chức định mức tín nhiệm Moody's hạ bậc tín dụng từ Aa2 xuống Aa3, cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường châu Á, sau khi đã kéo giá vàng đi lên trong phiên châu Á sáng 24/8.

Đây là lần đầu tiên trong vòng chín năm qua, Moody’s hạ mức tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ Nhật Bản, bất chấp những nỗ lực của nước này nhằm khôi phục sự lành mạnh của nền tài chính công.

Theo nhà phân tích Ong Yi Ling thuộc Công ty Phillip Futures, việc Moody's hạ mức tín nhiệm của trái phiếu Chính phủ Nhật Bản có thể đang thúc đẩy hoạt động mua vào vàng làm "nơi trú ẩn an toàn".

Một yếu tố khác cũng có thể sẽ tác động tới giá vàng là việc các ngân hàng trung ương các nước sẽ không bán vàng để huy động tiền, đối phó với khủng hoảng nợ như dự báo của Morgan Stanley.

Năm ngoái, các ngân hàng trung ướng đã trở thành lực lượng mua ròng vàng. 6 tháng đầu năm nay, theo số liệu thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các tổ chức tài chính này đã mua tới 192,3 tấn vàng và dự kiến còn tăng mua nữa.

Ngoài ra, sức mua mạnh mẽ từ các hãng kim hoàn ở châu Á cũng góp phần khiến thị trường vàng tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư. Các hãng này đã nhận được vô số đơn đặt hàng trang sức vàng từ các nước như Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan.

Nhiều tổ chức lớn trên thế giới vẫn đặt cược vào xu hướng tăng giá thời gian tới, nhất là khi châu Á mà đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc sắp vào mùa cao điểm tiêu thụ vàng vật chất.

Tại Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới, nhu cầu vàng cũng đang lên rất cao trước mùa cưới sẽ bắt đầu từ cuối tháng Chín và đỉnh điểm là lễ hội Deepavali vào cuối tháng 10.

Hầu hết các chuyên gia phân tích cho rằng, sự điều chỉnh giá vàng liên tiếp hai phiên vừa qua là bởi mặt hàng kim loại này đã tăng giá quá nóng và kéo dài. Dự báo sự điều chỉnh sẽ còn mạnh mẽ hơn. Nhưng tương lai, vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.

Theo dự báo của ngân hàng BNP Paribas, bình quân giá vàng năm nay ở mức 1.635 USD/ounce, năm 2012 là 2.080 USD. Và tới 2013, bình quân giá vàng theo dự báo mới của BNP Paribas là 2.200 USD/ounce.

Barclays Capital dự báo giá vàng trong quý 3 sẽ hạ xuống mốc 1.725 USD/ounce nhưng sẽ lên 1.875 USD/ounce trong quý 4. Tới năm 2012, giá vàng, theo nhận định của Barclays Capital, sẽ chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce.