Giá vàng tăng tuần này sau 3 tuần giảm liên tiếp
Ngoài vấn đề lạm phát và lãi suất, giới đầu tư vàng quốc tế cũng đang hướng sự chú ý tới quy định mới Basel III của ngành ngân hàng, dự kiến có hiệu lực đối với các ngân hàng ở châu Âu từ ngày thứ Hai tuần tới...
Giá vàng thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu nhờ đồng USD xuống giá, hoàn tất một tuần tăng sau chuỗi 3 tuần giảm liên tục. Giá vàng trong nước hôm nay (26/6) cũng tăng nhẹ.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 7 USD/oz, tương đương tăng gần 0,4%, chốt ở 1.782,5 USD/oz.
Giá vàng giao tháng 8 trên sàn COMEX tăng 1,1 USD/oz, tương đương tăng chưa đầy 0,1%, chốt ở 1.777,8 USD/oz. Tính cả tuần, giá vàng giao ngay tăng khoảng 0,5%.
“Tuần này là một tuần giằng co của giá vàng, do tín hiệu trái chiều từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về triển vọng lạm phát”, nhà phân tích Lukman Otunuga thuộc FXTM phát biểu.
Cũng theo ông Otunuga, việc giá vàng tăng trong phiên ngày thứ Sáu là kết quả của chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – một thước đo lạm phát ưa thích của Fed – tăng yếu hơn dự báo. Giới đầu tư xem dữ liệu này như một cơ sở để tin rằng Fed sẽ không hành động gấp trong vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngoài ra, đồng USD cũng yếu đi sau khi PCE được công bố.
PCE lõi trong tháng 5 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1992, nhưng yếu hơn so với dự báo. Ngoài ra, tiêu dùng của người Mỹ trong tháng 5 gần như đi ngang, không đạt dự báo của giới phân tích.
“Dữ liệu PCE có thể xoa dịu nỗi lo của thị trường về việc Fed thắt chặt sớm hơn dự kiến”, ông Otunuga nói.
Tuần trước, giá vàng giảm gần 6% vì giới đầu tư lo sợ trước việc Fed chuyển từ lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng sang cứng rắn. Vàng là kênh đầu tư không mang lãi suất nên hưởng lợi trong môi trường lãi suất thấp và ngược lại.
Ngoài vấn đề lạm phát và lãi suất, giới đầu tư vàng quốc tế cũng đang hướng sự chú ý tới quy định mới Basel III của ngành ngân hàng, dự kiến có hiệu lực đối với các ngân hàng ở châu Âu từ ngày thứ Hai tuần tới. Theo quy định mới này, vàng sẽ được phân loại là tài sản cấp 1 (Tier 1) cùng nhóm với tiền mặt và ngoại tệ, thay vì tài sản cấp 3 (Tier 3) – loại có độ rủi ro cao nhất – như hiện nay.
Ông Adam Koos, Chủ tịch Libertas Wealth Management Group, nhận định rằng việc giá vàng ít thay đổi trong tuần này có “liên quan nhiều đến Basel III”.
Việc giá vàng giảm mạnh gần đây có một nguyên nhân quan trọng là đồng USD tăng giá, cộng thêm quan điểm trở nên cứng rắn của Fed – ông Koos nói với trang MarketWatch. “Giờ đây, khi những vấn đề đó đã trôi qua, thị trường đang cố gắng xác định hướng đi cho giá vàng, xét tới thay đổi to lớn và dài hạn đến từ Basel III”, ông nói.
Theo ông Jeff Wright, Giám đốc đầu tư thuộc Wolfpack Capital, các yêu cầu về vốn đối với ngân hàng châu Âu theo quy định Basel III là “tích cực đối với vàng, nhưng chỉ là vàng vật chất”. Vàng vật chất sẽ trở thành tài sản cấp 1, loại được coi là không có rủi ro, và “xem vàng là một loại tài sản có độ thanh khoản cao nhất, ngang với tiền mặt”.
Quy định này không có nghĩa là các ngân hàng châu Âu sẽ đổ xô mua thêm vàng, vì việc mua vàng đã diễn ra kể từ khi quy định mới được công bố cách đây hai năm, theo ông Wright. Tuy nhiên, trong dài hạn, vàng sẽ “trở nên phổ biến hơn tại các ngân hàng lớn và ngân hàng trung ương” và điều này sẽ “làm gia tăng độ thanh khoản nói chung của thị trường vàng, mang lại lợi ích ròng cho các nhà đầu tư và nhà giao dịch vàng”.
Đồng USD giảm giá trong tuần này cũng giúp làm dịu sức ép mất giá đối với vàng. Chỉ số Dollar Index chốt ở mức 91,8 điểm, giảm 0,4% trong tuần.
Nói về bức tranh lớn hơn đối với vàng, chuyên gia tư vấn thị trường và Kevin Rich thuộc The Perth Mint nói rằng cùng với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Mỹ, thị trường việc làm nước này sẽ có những thay đổi lớn. Trên cơ sở hồi phục kinh tế và việc làm, Fed đã phát tín hiệu tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ một khi nền kinh tế và thị trường việc làm hồi phục hoàn toàn.
“Nhưng còn chưa rõ bao lâu nữa chúng ta mới đạt được mức việc làm và GDP như bình thường. Bởi vậy, giá vàng nhiều khả năng tiếp tục giằng co trong vùng hẹp, cho tới khi có sự cản thiện thực sự và bền vững về việc làm và tăng trưởng”, ông Rich nói.
Giá vàng miếng ngày 26/6 tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn DOJI là 56,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 56,5 triệu đồng/lượng và 57,1 triệu đồng/lượng.
So với ngày thứ Sáu, giá vàng miếng tại hai doanh nghiệp này hiện đều tăng 50.000 đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng đang cao hơn 7,4-7,5 triệu đồng/lượng. Tuần này, giá vàng miếng tăng khoảng 250.000 đồng/lượng.