10:56 23/04/2022

Giá vàng thế giới lao dốc vì nỗi lo lãi suất tăng, thấp hơn trong nước gần 17 triệu đồng/lượng

Điệp Vũ

Cả tuần, giá vàng miếng tăng khoảng 800.000-900.000 đồng/lượng, dù giá vàng thế giới giảm hơn 2%..

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (22/4), hoàn tất một tuần giảm giá, do lo ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tỷ giá đồng USD cùng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh.

Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (23/4) giảm cầm chừng, khiến chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới tăng lên gần 17 triệu đồng/lượng.

Lúc đóng cửa phiên cuối của tuần, giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm 19,6 USD/oz, tương đương giảm 1%, còn 1.933,3 USD/oz. Mức giá này tương đương 53,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra của ngân hàng Vietcombank.

“Các kim loại quý với vai trò kênh đầu tư an toàn đang cần một chất xúc tác mới, nhưng chưa có. Tình trạng giằng co không rõ xu hướng gần đây của giá vàng đang dẫn tới sự gia tăng của lực bán kỹ thuật”, nhà phân tích Jim Wycoff của Kitco phát biểu.

Hôm thứ Năm, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng chống lạm phát là việc “cực kỳ quan trọng” và Fed đang cân nhắc khả năng nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 5. Sự cứng rắn của Fed đã khiến cổ phiếu bị bán tháo ở Phố Wall trong tuần này, đồng thời gây áp lực mất giá lên vàng – tài sản không mang lãi suất.

Cùng với đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cũng giữ đà tăng nhờ lập trường cứng rắn của Fed, gây thêm áp lực mất giá lên vàng.

Phiên ngày thứ Sáu, lợi suất có chững lại, nhưng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn giữ quanh ngưỡng 2,9%. Đầu tuần, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vượt 2,95%, cao nhất hơn 3 năm.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD lập đỉnh mới của hơn 2 năm trong phiên ngày thứ Sáu, chốt ở mức trên 101,1 điểm. Cả tuần, chỉ số này tăng hơn 0,6%, nâng mức tăng trong 1 tháng trở lại đây lên gần 2,4%.

Vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị do chiến tranh Nga-Ukraine và phòng ngừa lạm phát, nhưng áp lực từ những yếu tố nêu trên đã khiến giá vàng giảm 2,1% trong tuần này. Đầu tuần, giá vàng có lúc tiếp cận mốc 2.000 USD/oz nhưng đã không thể chinh phục lại ngưỡng giá chủ chốt này.

“Dù giá vàng đuối sức trong thời gian gần đây, vàng vẫn đang thu hút nhu cầu bảo toàn giá trị trong bối cảnh lạm phát tăng, kinh tế giảm tốc, bất ổn địa chính trị, và biến động gia tăng trên thị trường chứng khoán”, nhà phân tích Olen Hansen của Saxo Bank nhận định trong một báo cáo.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.

So với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tuần này biến động ít hơn, duy trì mức 70 triệu đồng/lượng bất chấp giá vàng thế giới giảm sâu. Cả tuần, giá vàng miếng tăng khoảng 800.000-900.000 đồng/lượng, dù giá vàng thế giới đã giảm hơn 2% như đề cập ở trên.

Lúc hơn 9h sáng nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,4 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 150.000 đồng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,6 triệu đồng/lượng và 56,4 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,7 triệu đồng/lượng và 70,4 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở hai đầu giá.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn khoảng 16,6 triệu đồng/lượng, từ chỗ chênh 16,2 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.