10:33 25/03/2011

Giá vàng xuống dưới 37 triệu đồng, USD hạ nhiệt

Sơn Hà

Sáng 25/3, giá vàng trong nước đã giảm xuống dưới 37 triệu đồng/lượng, trong khi USD trong ngân hàng giảm 5 đồng/USD

Trận động đất 7 độ richter tại biên giới Thái Lan và Myanmar tối qua khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại một đợt thảm họa thiên nhiên mới tại nhiều khu vực trên thế giới, từ đó dẫn tới động thái tăng mua vàng tích trữ - Ảnh: AP.
Trận động đất 7 độ richter tại biên giới Thái Lan và Myanmar tối qua khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại một đợt thảm họa thiên nhiên mới tại nhiều khu vực trên thế giới, từ đó dẫn tới động thái tăng mua vàng tích trữ - Ảnh: AP.
Sáng 25/3, giá vàng trong nước đã giảm xuống dưới 37 triệu đồng/lượng, trong khi USD trong ngân hàng giảm 5 đồng/USD, sau hai ngày neo đậu ở mức cao.

Tính đến 10h15, vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức 36,80 triệu đồng/lượng giá mua vào và 36,92 triệu đồng/lượng giá bán ra. Vàng SJC của Công ty Phú Quý cùng thời điểm có giá mua vào và bán ra tương tự.

Còn theo bảng giá cập nhật lúc 9h40 của Sacombank, vàng SBJ được mua vào với giá 36,81 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 36,89 triệu đồng/lượng. Vàng SJC được mua và bán ở các mức 36,80 và 36,90 triệu đồng mỗi lượng.

Kể từ đầu tuần tới nay, giá vàng miếng các thương hiệu trong nước đã liên tục điều chỉnh giảm. Mặc dù mức giảm mỗi ngày không lớn, nhưng nếu lũy kế, thì so với phiên cuối tuần trước, hiện giá vàng trong nước đã giảm khá nhiều, từ 250.000 - 270.000 đồng mỗi lượng.

Đêm qua, giá vàng thế giới cũng quay đầu đi xuống, sau khi tăng vọt lên mức cao kỷ lục 1.448,6 USD/ounce vào đầu phiên. Cụ thể, vàng giao tháng 4 trên sàn Comex ở New York giảm 3,1 USD/ounce (-0,2%) xuống 1.434,9 USD/ounce.

Phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm sâu. Theo bảng thanh toán trực tuyến Kitco, tính tới 10h10, giá vàng giao ngay tại châu Á đang đứng ở mức 1.432,6 USD/ounce, giảm 2,3 USD/ounce so với đêm qua.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Tom Pawlicki tại MF Global, bất chấp sự biến động trong ngày 24/3, vàng vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản ít nhất là cho đến hết nửa năm nay.

Thêm vào đó, nhà đầu tư vẫn hoài nghi về hiệu quả của chương trình nới lỏng định lượng lần hai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đồng Yên vẫn có khả năng lên giá dù các nước G7 đã can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Ngoài ra, trận động đất 7 độ richter tại biên giới Thái Lan và Myanmar tối qua cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại một đợt thảm họa thiên nhiên mới tại nhiều khu vực trên thế giới, từ đó dẫn tới động thái tăng mua vàng tích trữ.

Cùng xu hướng với giá vàng, kim loại đồng giao tháng 5 giảm nhẹ 0,1% xuống 4,42 USD/lb. Bạch kim giao tháng 4 gần như đứng nguyên tại mức 1.760 USD/ounce, trong khi bạc giao tháng 5 tăng 0,5% lên 37,38 USD/ounce, palladium giao tháng 6 tăng 0,4% lên 752,25 USD/ounce.

Giá dầu thô quốc tế đêm qua hạ nhiệt, sau khi chạm mức cao 106,69 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4 tại New York để mất 15 xu Mỹ xuống còn 105,6 USD/thùng vào lúc đóng cửa, khi nhà đầu tư bán ra trước mối lo nhu cầu dầu của Mỹ có thể giảm sút khi kinh tế chững lại, bất chấp những bất ổn leo thang ở Libya và khu vực Trung Đông.

Trên thị trường ngoại hối trong nước sáng nay, giá USD trong hệ thống ngân hàng thương mại giảm 5 đồng so với ngày hôm trước. Cụ thể, tại Vietcombank, đồng USD được mua vào với giá 20.885 đồng/USD, bán ra ở 20.890 đồng/USD.

Đồng Yên được mua vào ở khoảng giá 252,57 - 255,12 đồng/Yên, bán ra ở 261,46 đồng/Yên. Đồng Euro được giao dịch ở mức 29.411,08 - 29.499,58 đồng/Euro giá mua vào, và 30.052,43 đồng/Euro giá bán ra.