15:31 22/05/2023

Giá xăng dầu bật tăng theo đà thế giới

Huyền Vy

Cắt đứt chuỗi giảm liên tiếp, giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 22/5 bật tăng trở lại theo đà tăng của thế giới. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 357 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 499 đồng/lít; dầu điêzen 0.05S tăng 301 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 296 đồng/kg so với giá hiện hành…

Chiều 22/5/2023, giá xăng dầu đồng loạt điều chỉnh tăng.
Chiều 22/5/2023, giá xăng dầu đồng loạt điều chỉnh tăng.

Chiều 22/5, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định điều chỉnh tăng giá các loại xăng dầu.

Trong kỳ điều hành này, liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.

Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Xăng E5RON92: không cao hơn 20.488 đồng/lít (tăng 357 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1,011 đồng/lít;

Xăng RON95-III: không cao hơn 21.499 đồng/lít (tăng 499 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 17.954 đồng/lít (tăng 301 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành);

Dầu hỏa: không cao hơn 17.969 đồng/lít (giảm 3 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.158 đồng/kg (tăng 296 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).

Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Nguồn: Bộ Công Thương.
Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Nguồn: Bộ Công Thương.

Về nguyên nhân tăng giá xăng dầu, liên Bộ cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/5/2023-22/5/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu tiếp tục sẽ tăng trong năm nay do nhu cầu của Trung Quốc và ảnh hưởng từ các động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+; những lo ngại về vấn đề trần nợ công của Mỹ, hoạt động công nghiệp bị đình trệ và lãi suất cao hơn làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế…các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.

Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/5/2023 và kỳ điều hành ngày 22/5/2023 là: 85,146 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 2,130 USD/thùng, tương đương tăng 2,57% so với kỳ trước); 89,633 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,267 USD/thùng, tương đương tăng 2,59% so với kỳ trước).

Tương tự, dầu hỏa ở mức 89,187 USD/thùng (tăng 0,649 USD/thùng, tương đương tăng 0,73% so với kỳ trước); dầu điêzen là 89,184 USD/thùng (tăng 1,920 USD/thùng, tương đương tăng 2,20% so với kỳ trước); dầu mazut 180CST 3,5S ở mức 435,577 USD/tấn (tăng 12,971 USD/tấn, tương đương tăng 3,07% so với kỳ trước).

Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới từ ngày 11/5/2023-22/5/2023. Nguồn: Bộ Công Thương.
Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới
từ ngày 11/5/2023-22/5/2023. Nguồn: Bộ Công Thương.

Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu như kỳ trước và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.