14:00 18/07/2022

Giá xăng giảm, doanh nghiệp có bớt khó?

Lưu Hà

Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Hiện giá xăng trong nước đã xuống dưới mức 30.000 đồng/lít, gần bằng mức giá vào giữa tháng 4...

Từ đầu năm đến nay, xăng dầu tăng giá liên tục khiến cho chi phí vận chuyển tăng cao, dẫn đến giá vốn cấu thành để tạo ra sản phẩm tăng lên. Bên cạnh đó, giá nguyên phụ liệu tăng cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên 20 - 30%. Điều này đã tác động rất lớn đến giá thành sản phẩm, khiến hầu hết giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường đều tăng. Việc giá xăng dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít vừa qua phần nào đã tạo ra “cơn gió mát” với cộng đồng doanh nghiệp, với kỳ vọng phát triển và có thể kích cầu mua sắm, tiêu dùng.

DOANH NGHIỆP VẪN CHƯA VỘI MỪNG

Đón nhận thông tin giá xăng dầu giảm sâu kể từ 0h ngày 11/7, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, bày tỏ hoan nghênh khi Bộ Tài chính đã sớm đưa ra kiến nghị giảm thuế môi trường trong giá xăng dầu, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bởi theo ông, chỉ trong hơn một tháng qua, giá xăng dầu đã tăng tới 15% là “quá sức chịu đựng của doanh nghiệp”. Doanh nghiệp vận tải càng chạy càng lỗ. Nhiều đơn vị gần như tạm dừng hoặc giảm tối đa tần suất hoạt động.

Tương tự, anh Trần Đình Hoàng, Giám đốc Công ty KOA Logistics, cho biết hiện tại công ty đang có 3 đầu container chuyên chạy tuyến Hải Phòng - Thanh Trì (Hà Nội), trung bình mỗi tháng, công ty phải chi khoảng gần 300 triệu đồng để mua nhiên liệu. “Khi nghe thông tin Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn, tôi cảm thấy rất phấn khởi và tạm thời trút bỏ được gánh nặng”, anh Hoàng nói. “Mặc dù mức giảm này so với mức tăng “nóng” trong thời gian qua không phải quá lớn, nhưng ở thời điểm doanh nghiệp mới ổn định lại công việc kinh doanh sau đại dịch Covid-19 thì bất kỳ sự giảm giá nào cũng đáng trân trọng”.

Rõ ràng, về tác động trực tiếp, xăng dầu tăng giá, chi phí nhiên liệu tăng, cước vận chuyển tăng lên, các chế phẩm dầu mỡ phục vụ sản xuất tăng điều chỉnh giá chóng mặt. Còn về gián tiếp, chi phí nguyên vật liệu tăng do nhà cung cấp điều chỉnh giá bán, tâm lý người lao động dao động do chi phí sinh hoạt leo thang. Nhưng khi giá xăng dầu giảm buộc các doanh nghiệp cũng phải tính toán với đầu ra sản phẩm.

Nhiều siêu thị tại TP.HCM cho biết đã có trao đổi với các đơn vị vận tải về vấn đề điều chỉnh giảm giá cước, đồng thời cũng xem xét để đề nghị nhiều nhà cung cấp đưa ra giá bán sản phẩm tốt hơn sau khi liên tục đề xuất tăng giá. Tuy nhiên, sự thay đổi khả năng vẫn không nhiều. “Các đối tác cho rằng mức giảm xăng dầu trên chưa đủ lớn để thay đổi khung giá, để có sự thay đổi rõ rệt giá hàng hóa thì xăng dầu cần giảm thêm 2.000 - 3.000 đồng/lít”, đại diện một siêu thị thông tin.

Xăng, dầu hạ nhiệt là tín hiệu vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành vận tải.
Xăng, dầu hạ nhiệt là tín hiệu vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành vận tải.

Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC (Hà Nội), cho biết: “Việc giá xăng giảm doanh nghiệp mừng, nhưng điều đáng quan tâm bây giờ là sự ổn định về giá như thế nào sau đợt giảm này mới là quan trọng. Bởi, xăng tăng giảm các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị điều chỉnh giá bán sản phẩm dịch vụ lên xuống mới được duyệt, nhưng có khi vừa được duyệt giá xăng lại điều chỉnh tăng khiến dở khóc, dở cười. Giờ giá xăng dầu điều chỉnh giảm sẽ phần nào chịu sức ép điều chỉnh giảm giá bán”.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, đánh giá việc xăng, dầu hạ nhiệt là tín hiệu vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành vận tải. “Trước mắt đây là tín hiệu tốt, giúp doanh nghiệp dễ thở phần nào. Tuy vậy, theo dự báo, giá dầu thế giới vẫn tiếp tục diễn biến thất thường, rất có thể kỳ điều hành tới giá xăng dầu trong nước lại tăng. Chúng tôi hiện đang vui nhưng vẫn canh cánh nỗi lo nhiên liệu nóng lên”, ông Bằng nói.

Ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng vận tải Bắc Nam, chuyên chở hàng hóa nông sản trái cây tuyến Bắc - Nam, cho biết hiện giá dầu giảm mạnh đã giúp mỗi xe tiết kiệm khoảng 1,5 triệu đồng/1.000 km. Đây là mức giảm đáng kể, giúp hạ giá cước vận chuyển, từ đó giảm giá hàng hóa nông sản. Tuy vậy, ông Quýnh cũng cho rằng giá xăng dầu vẫn neo cao, nên cần tính toán giảm thêm một số sắc thuế khác để giảm nhiệt, từ đó kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp sớm hồi phục và người dân ổn định cuộc sống.

CHỜ MỘT PHÉP MÀU

Trao đổi với báo chí, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng việc giảm giá xăng dầu hơn 3.000 đồng/lít, lớn nhất từ trước đến nay thể hiện sự đồng hành nỗ lực của Chính phủ, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội là tín hiệu vui tác động tích cực đến nền kinh tế.

Giá xăng giảm, doanh nghiệp có bớt khó? - Ảnh 1

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng đưa ra bình luận rằng giá xăng dầu giảm sâu xuống dưới 30.000 đồng/lít, giúp giảm áp lực lạm phát, tác động trực tiếp, tích cực đến các ngành hàng tiêu thụ nhiều nhiên liệu thường chiếm từ 30 - 40% chi phí của các doanh nghiệp như vận tải, hàng không, logistics, đánh bắt xa bờ...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, giá xăng dầu thế giới đang có đà giảm nhưng vẫn ở mức cao, mức này vẫn tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.  Ông Đỗ Văn Bằng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng nhà điều hành cần có kịch bản ứng phó với những biến động tiêu cực của giá dầu thế giới. Trong đó, lý tưởng nhất là giá dầu thế giới giảm, còn ngược lại thì phải nhanh chóng có phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu.

“Doanh nghiệp đón chờ sự bình ổn mang tính vĩ mô. Liên bộ Công Thương - Tài chính cần tính toán, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu. Chỉ có như thế mới giúp hạ nhiệt giá mặt hàng chiến lược này, ngay cả khi giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao”, ông Bằng đề xuất.

Giá xăng dầu giảm sâu xuống dưới 30.000 đồng/lít, giúp giảm áp lực lạm phát, tác động trực tiếp, tích cực đến các ngành hàng tiêu thụ nhiều nhiên liệu.
Giá xăng dầu giảm sâu xuống dưới 30.000 đồng/lít, giúp giảm áp lực lạm phát, tác động trực tiếp, tích cực đến các ngành hàng tiêu thụ nhiều nhiên liệu.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, đối với một doanh nghiệp hoạt động có quy mô, tuân thủ theo pháp luật thì việc điều chỉnh giá cước tăng hay giảm không phải là việc dễ làm, vì còn liên quan đến chi phí và việc chấp hành các quy định của Nhà nước. Vì vậy chúng tôi rất mong giá xăng có biên độ điều chỉnh phù hợp với thực tế. Theo đó, mức giảm giá xăng dầu hiện nay, giá cước vận tải chưa thể giảm ngay và ông Hùng dự đoán, kỳ điều hành giá xăng dầu sắp tới có khả năng tăng thay vì giảm tiếp.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng chúng ta vẫn có thể nghiên cứu cắt giảm nữa đối với giá xăng dầu. “Cụ thể vừa qua mới giảm thuế bảo vệ môi trường, hiện còn 3 sắc thuế nữa mà 3 sắc thuế này đánh vào phần trăm (%) của giá bán xăng dầu trên thị trường, nếu giảm được các sắc thuế này sẽ giảm được nhiều. Tôi đánh giá cao việc Bộ Tài chính đang nghiên cứu các phương án để giảm các sắc thuế còn lại, nhằm giúp cho kinh tế phục hồi phát triển trong thời gian tới”.