11:03 16/07/2022

Hàng chục nhà thầu kêu cứu vì "bão" giá càn quét gây suy kiệt tài chính

Anh Tú

Giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng đột biến cùng hệ thống định mức lạc hậu, không chỉ dẫn đến nguy cơ vỡ tiến độ các dự án giao thông mà còn khiến nhà thầu suy kiệt năng lực tài chính. Tình trạng đáng báo động trên khiến VARSI và 20 nhà thầu lớn gửi đơn "kêu cứu"...

Một số chủng loại vật tư, vật liệu chính như giá đất đắp tăng khoảng 30 - 50%, cá biệt có gói thầu tăng 154%.
Một số chủng loại vật tư, vật liệu chính như giá đất đắp tăng khoảng 30 - 50%, cá biệt có gói thầu tăng 154%.

Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) có Văn bản số 24/2022/VARSI báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng các công trình hạ tầng giao thông.

Cùng với đó, lãnh đạo 20 doanh nghiệp thuộc hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam cũng vừa đồng loạt ký gửi văn bản kiến nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan xem xét giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.

ĐIỀU CHỈNH GIÁ CHẬM TRỄ DÙ GIÁ VẬT LIỆU BIẾN ĐỘNG KHÔN LƯỜNG

Hiện nay, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang được đồng loạt triển khai thi công. Cùng với đó, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 như cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các dự án và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông.

Cụ thể, Văn bản số 24 của VARSI nêu rõ tại các gói thầu thuộc các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 được đầu tư theo hình thức đầu tư công, hợp đồng giữa nhà thầu với Bộ Giao thông vận tải có quy định việc điều chỉnh giá. 

Tuy nhiên, "việc công bố chỉ số giá của các địa phương chưa kịp thời, chưa sát với thực tế giá thị trường, chưa có chỉ số giá phù hợp với đặc tính của đường cao tốc và các công trình đặc thù như hầm đường bộ, gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công, thậm chí nhiều nhà thầu thua lỗ nhưng vẫn phải làm do tuân thủ hợp đồng ký", VARSI nêu rõ vướng mắc.

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đang triển khai các dự án lớn, chủ đầu tư và nhà thầu thi công ký hợp đồng theo đơn giá cố định nhưng theo quy định thì không được điều chỉnh giá.

 

Do đó, "nếu nhà thầu tiếp tục thi công thì lỗ nặng, còn không thì thi công cầm chừng làm chậm tiến độ, ảnh hưởng tới việc đưa công trình vào khai thác sử dụng, giảm hiệu quả đầu tư dự án", VARSI lo ngại.

Thông tin chi tiết hơn tại văn bản "cầu cứu" Thủ tướng, các nhà thầu thừa nhận hàng loạt khó khăn dồn dập.

Theo đó, ngay sau khi khởi công các dự án thành phần, nhà thầu phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính biến động tăng đột biến như thép, đất đắp các loại, cốt liệu đá cho bê tông xi măng, bê tông nhựa, cát vàng sản xuất bê tông xi măng.

Hiện, một số chủng loại vật tư, vật liệu chính như giá đất đắp tăng khoảng 30 - 50%, cá biệt có gói thầu tăng 154%. Cát vàng tăng khoảng 15 - 40%, cá biệt có gói thầu tăng 187%...

Cùng với đó, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng cao kéo theo giá nhiên liệu diezel và các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ như nhựa đường, nhựa thấm bám… tăng phi mã. Đây là nhiên, vật liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn ảnh hưởng tới giá tất cả các loại vật tư, vật liệu khác khi cước vận chuyển tăng từ 70 - 150% kể từ cuối năm 2021.

“Cộng các biến động một số vật tư, vật liệu chính nêu trên, chưa tính biến động máy thi công, nhân công, tăng khoảng 20 - 30% so với giá trị hợp đồng trừ dự phòng”, Hiệp hội các nhà thầu phản ánh.

Đứng trước biến động quá lớn về giá cả các loại vật liệu chính, từ quý 3/2022, nhà thầu có rất nhiều văn bản báo cáo cơ quan chức năng báo cáo thực trạng biến động giá các loại vật liệu chính và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Mặc dù nhà thầu cố gắng xoay xở dòng tiền, dồn mọi nguồn lực cho dự án nhưng sự mất cân đối dòng tiền lũy kế trong hơn 1 năm qua là quá lớn. Doanh nghiệp rơi vào suy kiệt tài chính và đang trên bờ vực phá sản.

Thực tế, trong 3 - 4 tuần trở lại đây, tại nhiều dự án thành phần, các nhà thầu không thể duy trì tiến độ, cường độ công việc cao như giai đoạn trước, nếu không có các giải pháp kịp thời của các cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn sắp tới, nguy cơ vỡ tiến độ là hiện hữu.

HỆ THỐNG ĐỊNH MỨC LẠC HẬU

Về công tác lập định mức, theo VARSI, hệ thống định mức thiếu cập nhật theo công nghệ mới, thiếu các hệ số an toàn, thiếu định mức công tác bảo dưỡng bảo trì đà giáo, thiết bị, dẫn đến khi thi công, nhà thầu, tự bỏ các chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị.

Cùng với đó, "trên cơ sở định mức quản lý dự án được Bộ Xây dựng ban hành, chi phí quản lý dự án thấp, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, kéo dài hoặc liên quan đến nhiều địa phương. Hiện nay, chi phí quản lý dự án thường phải huy động nguồn vốn gấp 2 - 4 lần so với định mức", VARSI nhấn mạnh.

Tương tự, công tác tư vấn giám sát, chi phí tư vấn giám sát được xác định theo định mức được Bộ Xây dựng ban hành là rất thấp. Để có thể lập hồ sơ mời thầu thực hiện giám sát, chi phí tư vấn tăng gấp 2 - 3 lần so với con số được xác định theo định mức.

 

Do đó, VARSI kiến nghị Chính phủ yêu cầu các tỉnh công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu điều chỉnh giá hợp đồng. 

Văn bản của VARSI nêu ra những khó khăn, vướng mắc khác trong quá trình xây dựng các công trình giao thông đường bộ như đơn giá nhân công và ca máy, công tác quản lý hợp đồng xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng, về thiết kế, quy hoạch bãi thải, mỏ vật liệu và các công trình phụ trợ (trạm nghiền, trạm trộn, kho vật liệu nổ công nghiệp).

Ngoài ra, VARSI cũng đề nghị cho phép chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với các đơn vị tư vấn chuyên ngành để xây dựng chỉ số giá riêng cho các dự án trọng điểm quốc gia trong giai đoạn 2021 – 2025 như cao tốc Bắc - Nam...

 

Nếu tính theo nguồn chỉ số giá các địa phương, đối với các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần đầu tư công cao tốc Bắc - Nam, hệ số bù giá bình quân các gói thầu kể từ thời điểm khởi công đến quý 2/2022 khoảng 1,0018 - 1,08, tương ứng tăng từ 1,8 - 8% toàn bộ 7 yếu tố điều chỉnh theo công thức điều chỉnh giá của hợp đồng, gồm nhân công, máy thi công, nhựa đường, thép, đá các loại, cát, xi măng.

Đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, chỉ số trượt giá được tính toán trong tổng mức đầu tư khoảng 3,05%.

Trong khi đó, chỉ tính riêng biến động của một số chủng loại vật liệu chính, chưa tính chi phí biến động máy thi công, nhân công, tăng khoảng 20 - 30%.