06:00 30/09/2021

Giải ngân gần 27.000 tỷ, Bộ Giao thông vận tải nằm trong top 4 bộ ngành giải ngân vốn đầu tư cao nhất

Anh Tú

Dự kiến hết quý 3/2021, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 26.722 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch. Hiện Bộ Giao thông vận tải nằm trong top 4 bộ, ngành giải ngân trên 60% kế hoạch...

Hiện Bộ Giao thông vận tải nằm trong top 4 bộ, ngành giải ngân trên 60% kế hoạch.
Hiện Bộ Giao thông vận tải nằm trong top 4 bộ, ngành giải ngân trên 60% kế hoạch.

Ngày 29/9, Bộ Giao thông vận tải tổ chức giao ban công tác quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021. Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải, cho biết đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã phân bổ chi tiết hơn 42.972/42.996 tỷ đồng, đạt 99,94% kế hoạch năm 2021 được giao.

Dự kiến hết quý 3/2021, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 26.722 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước giải ngân được 24.332/38.564 tỷ đồng, đạt 63,5%; vốn nước ngoài giải ngân được 2.390/4.837 tỷ đồng, đạt 49,1%. 

 
Từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch 6 đợt cho 20 dự án, với giá trị vốn điều chỉnh 3.965 tỷ đồng từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt. Dự kiến hết quý 3/2021, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 26.722 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch. 

“9 tháng đầu năm, Bộ Giao thông vận tải là một trong 4 bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ biểu dương vì giải ngân được trên 60% kế hoạch”, ông Đức cho hay.

Đáng chú ý, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về công tác giải ngân do Bộ trưởng làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các điểm nghẽn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư các dự án giai đoạn 2021 - 2025, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, Bộ Giao thông vận tải dự kiến triển khai khởi công mới 67 dự án, gồm 11 dự án PPP và 56 dự án đầu tư công.

Trong số 11 dự án dự kiến đầu tư theo phương thức PPP, có 5 dự án quan trọng quốc gia gồm dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 Bộ Giao thông vận tải đã trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định trước khi trình Quốc hội thông qua theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội thông qua trong năm 2022. Đối với hai dự án Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã giao Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ đang phối hợp với hai địa phương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án. 

Với 56 dự án đầu tư công, ông Đức cho biết có một dự án quan trọng quốc gia là cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện, trao đổi với nhà tài trợ JICA Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án.

Theo kế hoạch năm 2021, Bộ Giao thông vận tải sẽ khởi công 20 dự án, hoàn thành 23 dự án.

Tính trong 9 tháng năm 2021, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công 9 dự án, gồm cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm.

Đồng thời, hoàn thành 9 dự án sửa chữa gồm mặt cầu Thăng Long, cầu Cửa Hội, đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cải tạo mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ 27 đoạn tránh Liên Khương, Quốc lộ 30, Quốc lộ 5, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang hoàn thiện các thủ tục còn tồn tại để đưa dự án vào khai thác.