14:40 08/06/2011

Giải ngân mạnh ODA: “Thiếu tiền đầu tư thì dùng tối đa cái có sẵn”

Anh Quân

Giải ngân vốn ODA 5 tháng năm 2011 bằng 52,5% kế hoạch cả năm, cho thấy những khác biệt trong bức tranh ODA năm nay

Vốn ODA giúp cải thiện nhiều công trình hạ tầng quan trọng.
Vốn ODA giúp cải thiện nhiều công trình hạ tầng quan trọng.
Giải ngân vốn ODA trong 5 tháng năm 2011 đạt khoảng 1,26 tỷ USD, bằng 52,5% kế hoạch cả năm.

Con số trên mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, cho thấy những khác biệt trong bức tranh ODA năm nay.

Cho rằng đây là “dấu hiệu tích cực”, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Hồ Quang Minh đánh giá cao nỗ lực của các ngành, địa phương trong một năm kinh tế tăng trưởng khó khăn, với đầu tư công cắt giảm.

Trả lời VnEconomy, ông Minh cho biết:

- Bình thường, tại thời điểm 6 tháng đầu năm chỉ giải ngân 40% của năm, và giải ngân bao giờ cũng cao vào nửa sau của năm. Nhưng năm nay mới qua 5 tháng đã giải ngân vượt 52%.

Và cũng rất lâu rồi mới có con số là 5 tháng đầu năm giải ngân được hơn 50% kế hoạch.

Tôi cho là dấu hiệu tích cực, là sự nỗ lực của các bên, có vấn đề gì ở giải ngân các dự án thì ngồi lại với nhau luôn. Chính vì thế mà chúng ta loại dần được các vấn đề khiến dự án kém giải ngân.

Nhưng tôi nói thêm một chút, đây là số kế hoạch chúng ta tính dự kiến bao nhiêu, chứ so với nhu cầu giải ngân thực tế thì con số vẫn thấp. Chúng ta vẫn là nước có tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với giải ngân ODA trung bình. Nhưng con số đó, theo tôi là đáng khích lệ.

Nguồn tiền có sẵn

Việc giải ngân nhanh hơn vốn ODA có liên quan gì đến yếu tố cắt giảm đầu tư công, thưa ông?


Đó là một trong các giải pháp. Trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, đầu tư công cắt giảm nhưng riêng ODA lại phải tăng cường. Đơn giản là nguồn tiền ODA là nguồn tiền có sẵn. Trong khi chúng ta thiếu tiền cho đầu tư thì phải sử dụng tối đa cái có sẵn.

Vậy thì phải tăng cường sử dụng, tăng cường giải ngân ODA. Đấy là một trong các biện pháp đặc biệt trong bối cảnh chúng ta cắt giảm vốn cho đầu tư công hiện nay.

Theo ông, việc giải ngân nhanh vừa rồi mang lại bài học gì?

Thứ nhất, tôi cho sự phối hợp là quan trọng. Hiện nay các cơ quan trong trường hợp giải quyết rất nhiều vấn đề động chạm liên ngành, một cơ quan không giải quyết được. Cho nên, sự phối hợp liên ngành, với các nhà tài trợ, tôi cho là kinh nghiệm đầu tiên.

Kinh nghiệm thứ hai là con người, cần phải tăng cường năng lực của đội ngũ quản lý. Nhiều ban quản lý hiện còn chưa hiểu được quy trình thủ tục. Bởi vì ban quản lý của chúng ta chưa phải là chuyên nghiệp. Thế thì vừa rồi chúng ta cũng chú trọng rất nhiều, vừa rồi có thể nói là "tổng lực" tăng cường năng lực.

Thứ ba, về quy trình thủ tục thời gian vừa qua có một số biện pháp, dù trước mắt thôi, nhưng cũng đã được cải thiện và nâng lên.

Càng giải ngân chậm càng thiệt

Nếu tăng sử dụng vốn ODA có làm tình hình nợ nước ngoài căng thẳng thêm?

Không phải giải ngân ODA nhiều thì nợ tăng. Bởi vì, giải ngân này đã nằm trong các hiệp định cam kết, nằm trong con số đã tính trong nợ rồi.

Thế còn bây giờ, chúng ta trên thực tế đã nợ khoản tiền ấy rồi, ký 1 tỷ USD thì đã tính trả nợ trong bao năm rồi, thì chúng ta càng giải ngân chậm bao nhiêu càng thiệt.

Đã vay rồi thì phải tăng cường giải ngân nhanh để lấy được lợi thế thời gian ân hạn, để lâu thì lãi càng nhiều ra. Giải ngân nhanh thì càng rút gánh nặng nợ công.

Nhưng vừa qua, chúng ta đàm phán ODA trong bối cảnh nhập siêu tăng, cán cân thanh toán thâm hụt… Các điều khoản có bị ảnh hưởng?

Không. Các nhà tài trợ đều có các chương trình dự án nằm trong chiến lược hết rồi. Ví dụ nhà tài trợ Nhật Bản có danh sách dài trong thời gian tới, WB có danh sách trong 3 năm… Các nhà tài trợ đều có danh sách, danh mục dự án ưu tiên trong một thời gian rồi.

Chứ không phải tự nhiên thấy dự án nào cần thì chúng ta đề nghị đâu. Cái đó là đều có chiến lược, kế hoạch cả, nằm trong chiến lược chung hỗ trợ ngân sách Việt Nam, hỗ trợ chương trình dự án và đặc biệt là nằm trong chương trình quản lý nợ công.