09:00 04/07/2023

Giải pháp để doanh nghiệp giữ chân nhân tài IT

Thu Hằng

Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng về kỹ thuật số lớn nhất khu vực. Yếu tố này tác động tích cực đến thị trường lao động ngành công nghệ thông tin trong nước, nhân lực ngành này được săn đón với mức lương hấp dẫn, khiến việc giữ chân những nhân sự cấp cao cũng là vấn đề khiến không ít doanh nghiệp đau đầu…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia, nhà tuyển dụng đã chia sẻ về các cơ hội việc làm, cũng như định hướng chủ đạo để doanh nghiệp tuyển dụng và giữ chân được đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin có chất lượng cao tại hội thảo “Triển vọng thị trường lao động ngành công nghệ thông tin năm 2023”, tổ chức ngày 30/6.

KHÓ TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ CÓ KỸ NĂNG SỐ

Đánh giá về tiềm năng của thị trường ngành công nghệ thông tin (IT) tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng phòng Tuyển dụng nhân sự cấp cao và Tư vấn nhân sự, ManpowerGroup Việt Nam, cho biết giá trị của nền kinh tế kỹ thuật số tại thị trường Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và đang trên đà đạt 50 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng trưởng nhanh nhất nhờ sự đột phá của ngành thương mại điện tử. Những ngành nghề khác cũng chiếm tỷ trọng cao trong giá trị nền kinh tế kỹ thuật số như: vận tải, thực phẩm, du lịch trực tuyến, dịch vụ nghe nhìn trực tuyến…

Việt Nam hiện cũng được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng về kỹ thuật số lớn nhất khu vực. Yếu tố này sẽ có tác động tích cực đến thị trường lao động ngành công nghệ thông tin trong nước. Theo bà Vân Anh, mặc dù hiện nay đang có làn sóng cắt giảm lao động ở nhiều doanh nghiệp, nhưng vẫn có đến 80% các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân sự có kỹ năng liên quan đến kỹ năng số, trí tuệ nhân tạo.

Báo cáo tuyển dụng do ManpowerGroup thực hiện vào quý 2 năm 2023 cho thấy, những kỹ năng tại thị trường Việt Nam đang rất thiếu là công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu. “Nhu cầu của các doanh nghiệp về nguồn lao động có kỹ năng này rất cao. Nhân sự có kỹ năng chuyên môn về IT và dữ liệu đang khó tìm kiếm nhất, sự thiết hụt kỹ năng IT đã vượt ra ngoài ngành, ảnh hưởng đến các ngành khác như tài chính, bất động sản và năng lượng”, bà Vân Anh nhận định.

Trong đó, top 5 kỹ năng mềm nhà tuyển dụng IT đang tìm kiếm ở ứng viên bao gồm: Tư duy phân tích và phản biện; tính sáng tạo; phân tích và giải quyết vấn đề; tính kỷ luật và sự tin tưởng; khả năng đề xuất ý tưởng.

Những xu hướng trên sẽ có tác động rất lớn đến người lao động trong ngành, thể hiện rõ nhất là sự gia tăng nhu cầu về các vị trí AI, Machine Learning, Cloud, DevOps… “Nhu cầu ở các vị trí này sẽ tăng trưởng rất mạnh”, bà Vân Anh nói.

Ngoài ra, các vị trí liên quan đến phân tích dữ liệu, kiến trúc sư giải pháp, an ninh mạng sẽ tiếp tục có nhu cầu tăng cao. Những yếu tố đó cũng sẽ dẫn đến thực trạng thiếu hụt nhân tài vẫn diễn ra tại các doanh nghiệp. Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp nên nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân sự hiện tại, cũng như cung cấp các khóa học để đào tạo các kỹ năng mới.

PHÂN HÓA MẠNH MỨC LƯƠNG NHÂN SỰ IT

Đi sâu phân tích thêm về nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, ông Đào Trung Thành, chuyên gia tư vấn chiến lược công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cho biết số liệu từ các báo cáo trước đó đều dự báo Việt Nam hiện đang thiếu hụt gần 200.000 lập trình viên, hơn 100 trường đại học hiện có tổ chức giảng dạy về chuyên ngành công nghệ thông tin, song mới đáp ứng được hơn 50% nhu cầu.

“Rõ ràng nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin rất cao, bao gồm cả số kỹ sư cần bổ sung hàng năm, trong khi hiện nay chúng ta mới đáp ứng được 1/3. Tuy nhiên, ngay cả với 1/3 này cũng chỉ có 35% trong số 57.000 sinh viên chuyên ngành IT đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Như vậy chưa đến 20.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường đáp ứng được yêu cầu, số khác phải đào tạo lại”, ông Đào Trung Thành nhận xét.

Những yếu tố trên đã tác động đến sự phân hóa giữa mức lương của sinh viên rất cao, có những vị trí mới ra trường nhận 350 - 500 USD, nhưng cũng có những sinh viên giỏi có thể nhận mức lương khởi điểm 1.000 USD, thậm chí gấp đôi. “Với mức lương 25 - 30 triệu đồng/tháng cho sinh viên mới ra trường thì công nghệ thông tin vẫn là ngành hot và có thu nhập cao so với mặt bằng chung, mặc dù chúng ta chưa thể so với thế giới”, vị chuyên gia này phân tích.

Không phủ nhận chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong nước đã có sự tăng trưởng và nhiều tiềm năng, nhưng ông Đào Trung Thành cũng thừa nhận, xét về xếp hạng kỹ năng lập trình viên của Việt Nam so với thế giới vẫn ở mức thấp, thấp hơn nhiều với các quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia…

“35% sinh viên công nghệ thông tin ra trường đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp Việt Nam, trong khi nhu cầu từ phía doanh nghiệp Việt Nam chưa hẳn cao. Nếu đặt trong bối cảnh yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài thì số này chúng ta đáp ứng được bao nhiêu? Rõ ràng, chất lượng nhân lực đang có vấn đề”, chuyên gia Đào Trung Thành bày tỏ lo ngại.

Theo dự báo, một số vị trí lập trình cấp thấp sẽ có khả năng suy giảm trong tương lai, thậm chí “bị bỏ lại”. Các công việc có yêu cầu về lập trình cao như IT về DevOps, AI, Robotics…sẽ phát triển mạnh. “Nhân lực đang làm ở những lĩnh vực này cần chuẩn bị các kỹ năng lập trình mới để bắt kịp xu thế hiện nay”, vị chuyên gia này khuyến cáo.

CHIẾN LƯỢC GIỮ CHÂN NHÂN SỰ IT CẤP CAO

Trong bối cảnh vừa thiếu hụt nhân sự công nghệ thông tin có chất lượng cao, vừa phải cạnh tranh khốc liệt, việc giữ chân được nguồn lao động này trong doanh nghiệp hiện nay cũng là vấn đề khiến các công ty khá đau đầu.

Theo Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2022 do TopDev phát hành, mức lương lập trình viên dao động từ 350 USD đến 1.190 USD cho vị trí Mid-Senior. Lập trình viên Senior có mức lương dao động từ 860 đến 1.510 USD. Các vị trí Quản lý (từ 5 năm trở lên) hoặc cấp cao hơn được khảo sát có mức lương từ 1.410 USD cho đến hơn 2.300 USD.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2023 phát hành ngày 03-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giải pháp để doanh nghiệp giữ chân nhân tài IT - Ảnh 1