11:35 31/12/2024

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thuỷ sản

Đan Tiên

Năm 2024, ngành thuỷ sản Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Để vững đà tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng cần những giải pháp đồng bộ, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ từ các Bộ, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 30/12, hội thảo “Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế” do Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao tổ chức.

Trình bày tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu của ngành thuỷ sản trong năm 2024 đạt 10 tỷ USD. Thành quả có được là nhờ những chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương cũng như là sự cố gắng, nỗ lực của cộng đồng nông ngư dân.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam mong muốn tiếp tục được đồng hành cùng Bộ Ngoại giao trong các chương trình ngoại giao kinh tế trong những năm tới và tiếp tục được nhận thêm sự hỗ trợ, đồng hành của các Đại sứ quán, Thương vụ tại các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc hay Singapore.

Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành Kết luận cuối cùng trong vụ điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu. Theo đó, Indonesia có kết quả cao hơn Việt Nam. “Khả năng cao quốc gia này sẽ chuyển sang thị trường mục tiêu mới là Nhật Bản”, ông Nam cho hay.

Do đó, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam mong muốn Bộ Ngoại Giao, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan đang công tác tại Nhật Bản có thể đồng hành cùng hiệp hội tổ chức thêm nhiều hoạt động xúc tiến nhằm duy trì thị phần hàng đầu tại quốc gia này.

Đối với thị trường Hàn Quốc, Phó Tổng thư ký ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết hiện tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại quốc gia này. Mặc dù vậy, chính phủ Hàn Quốc đang cấp hạn ngạch nhập khẩu cho mặt hàng này lại rất hạn chế, chỉ 15.000 tấn/năm. Con số này thấp hơn gần gấp 4 lần sản lượng tôm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

“Chúng tôi rất mong Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Chính phủ có thể lưu tâm vấn đề này để có thể đàm phán với Hàn Quốc mở rộng hạn ngạch, tạo động lực cho ngành hàng”, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đề xuất.

Đối với thị trường ASEAN, vị chuyên gia này kiến nghị có thể tổ chức Ngày hội thuỷ sản Việt Nam/Vietnam Seafood tại các nước trong khu vực. Đây là mô hình được nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc đã áp dụng rất thành công.

Riêng đối với thị trường Trung đông và Halal, đại diện của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam khuyến nghị các cơ quan chuyên trách tổ chức thêm nhiều hoạt động kết nối như B2B hay các triển lãm để các doanh nghiệp thuỷ sản có cơ hội tiếp cận chính thức và bài bản với thị trường này.