11:40 21/01/2021

Giải quyết nghẽn lệnh chứng khoán: Kỳ vọng sẽ xong hệ thống mới trong 2021

Hồng Lĩnh

Bên cạnh những cảm nhận tích cực về bước tiến thị trường, nỗi lo khả năng nghẽn lệch giao dịch cũng lớn dần khi nghẽn lệnh đã không chỉ xảy ra một lần trên sàn HOSE

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết không mong muốn áp dụng giải pháp hành chính, vì đây là giải pháp tối kỵ đối với kênh chứng khoán - nơi tính chất thị trường được vận hành cao nhất.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết không mong muốn áp dụng giải pháp hành chính, vì đây là giải pháp tối kỵ đối với kênh chứng khoán - nơi tính chất thị trường được vận hành cao nhất.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi thêm một dấu mốc khi thanh khoản vượt qua 1 tỷ USD vào ngày 19/1/2021. Bên cạnh những cảm nhận tích cực về bước tiến thị trường, nỗi lo khả năng nghẽn lệch giao dịch cũng lớn dần khi nghẽn lệnh đã không chỉ xảy ra một lần trên sàn HOSE.

Mới đây nhất, chiều ngày 19/1, hệ thống giao dịch lại bị nghẽn bởi lượng lệnh lớn khiến thị trường không biến động nhiều. Ủy ban chứng khoán thừa nhận, hệ thống giao dịch của sàn HOSE có giới hạn số lượng lệnh trong một ngày, không đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến ngoài dự đoán.

Tính chung cả năm 2020, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt trên 7.400 tỷ đồng mỗi phiên, gấp hơn 2 lần so với mức bình quân phiên năm 2019. Riêng trong tháng 12/2020, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 15.000 tỷ đồng. Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tăng khoảng 109% so với năm 2019.

GIỮ AN TOÀN HỆ THỐNG BẰNG NHIỀU GIẢI PHÁP 

Nâng lô đặt lệnh từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu là một giải pháp tạm thời nhằm giảm bớt các lệnh quá nhỏ đưa vào sàn HOSE trong bối cảnh năng lực xử lý của hệ thống công nghệ chỉ có giới hạn (khoảng 600.000 lệnh/phiên). Tuy nhiên, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, giải pháp trên chỉ giãn được một phần lệnh và chưa giải quyết triệt để tình trạng nghẽn lệnh, nên việc của nhà quản lý là phải có các giải pháp khác để giữ cho hệ thống hoạt động thông suốt, an toàn.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu giải pháp nhà đầu tư chỉ nên chọn một số bước giá hợp lý. Nói cách khác là bớt "rải đinh" theo nhiều bước giá như hiện nay, để giảm bớt số lệnh vào hệ thống. 

Giải pháp này cần sự hợp tác của các công ty chứng khoán và các nhà đầu tư", Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết. Để cùng nhau giải quyết vấn đề nóng của thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước không mong muốn áp dụng giải pháp hành chính, vì đây là giải pháp tối kỵ đối với kênh chứng khoán - nơi tính chất thị trường được vận hành cao nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, nhà quản lý sẽ xem xét khả năng áp dụng một phần giải pháp hành chính.

Tìm hiểu tại các công ty chứng khoán được biết, trước bối cảnh lệnh vào thị trường tăng mạnh, Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp thành viên, yêu cầu các công ty chứng khoán cam kết không sử dụng robot trong đặt lệnh. Sở cũng đã cấp hạn mức số lệnh cụ thể cho từng công ty, để các công ty có ứng xử phù hợp với nhà đầu tư.

Bên cạnh các giải pháp trên, hoạt động củng cố hệ thống giao dịch dự phòng và chuẩn bị các giải pháp khác cũng được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chỉ đạo thực hiện song song với việc xây hệ thống mới. Cùng với đó, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã xây dựng các kịch bản ứng phó với những tình huống bất định của thị trường. "Các kịch bản này không thuộc phạm vi công bố ra công chúng, nhưng Ủy ban chứng khoán Nhà nước quyết tâm thực hiện được mục tiêu trong mọi tình huống đều không để thị trường chứng khoán dừng nghỉ một ngày nào", ông Dũng khẳng định.

Chia sẻ với báo chí sáng 19/1/2021, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước kể rằng, thời đỉnh dịch covid (nửa cuối tháng 3/2020), Chi nhánh BIDV Hà Thành bị phong tỏa do có một khách hàng người Pháp bị nhiễm Covid-19 đến giao dịch. Ủy ban chứng khoán Nhà nước lần đầu tiên phải đối mặt với bài toán giữ giao dịch thông suốt khi không có con người. Bằng những quyết sách nhanh chóng và sự nỗ lực của cả hệ thống, thị trường chứng khoán Việt Nam đã được kết nối an toàn, giao dịch không ngày nào bị gián đoạn.

KỲ VỌNG NĂM 2021 SẼ XONG HỆ THỐNG CÔNG NGHỆ MỚI 

Năm 2000, thị trường chứng khoán mở cửa hoạt động với hệ thống công nghệ đầu tiên được nhận như một "món quà" từ Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan. Với ý tưởng hình thành hệ thống công nghệ thông tin thống nhất cho toàn thị trường, kết nối trực tiếp từ khâu đăng ký, lưu ký cho đến bù trừ, thanh toán, thực hiện quyền và các sản phẩm gia tăng cho thị trường, năm 2016, gói thầu "Thiết kế, lắp đặt, cung cấp và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin (gói thầu 04)" đã được thống nhất triển khai.

Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư cùng với các đơn vị thụ hưởng là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Gói thầu gồm nhiều hạng mục, mang đến niềm hy vọng về khả năng nâng tầm thị trường chứng khoán Việt khi được thống nhất chung trên một nền tảng công nghệ, với nhiều tính năng cho phép các bên phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, tiên tiến ra thị trường.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra vào đầu năm 2020 khi nhiều hạng mục trong gói thầu 04 đi đến giai đoạn gần hoàn thiện. Trong bối cảnh đại dịch bùng phát trên toàn cầu, các chuyên gia của Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) phải "cách ly" mất một thời gian rất dài, không thể sang Việt Nam để xử lý tiếp các yêu cầu của hệ thống mới. "Hiện nay, chuyên gia của KRX đã đến Việt Nam và đang làm việc tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau Tết Nguyên đán 2021, hệ thống công nghệ mới sẽ chạy thử để khớp nối tất cả các công ty chứng khoán thành viên", ông Dũng nói.

Trên nhiều diễn đàn, nhà đầu tư, thậm chí các chuyên gia, công ty chứng khoán cũng tỏ ra sốt ruột với thời hạn đưa hệ thống công nghệ mới vào vận hành. Tuy nhiên, đại dịch là một yếu tố bất định và bài toán công nghệ cũng hàm chứa nhiều yếu tố bất định khác, nên lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước không khẳng định thời hạn cụ thể đưa hệ thống mới vào vận hành, nhưng khẳng định sẽ nỗ lực tối đa, đưa hệ thống vào sớm nhất. Hệ thống mới không chỉ đáp ứng mong mỏi của nhà đầu tư, mà còn là yếu tố không thể thiếu để ngành chứng khoán thực thi tiến độ tái cấu trúc các thị trường.

Tại sự kiện khai trương phiên giao dịch đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đốc thúc ngành chứng khoán phải đẩy nhanh việc cơ cấu lại thị trường, cụ thể là cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Tuy nhiên, với nền tảng công nghệ hiện nay, sàn HOSE tổ chức giao dịch 394 doanh nghiệp niêm yết đã "căng" về hệ thống, nên chưa thể "ôm" thêm 340 doanh nghiệp niêm yết đang có cổ phiếu giao dịch trên sàn Hà Nội. Theo đó, việc tái cấu trúc thị trường chỉ có thể thực thi trên nền tảng hệ thống công nghệ mới được vận hành trơn tru, khớp nối toàn thị trường.

Dù phải đối mặt với sự bất định từ đại dịch và phải dự phòng thời gian xử lý sự cố trong quá trình khớp nối thử nghiệm hệ thống công nghệ mới, nhưng ngành chứng khoán sẽ cố gắng tối đa với kỳ vọng nửa cuối năm 2021, hệ thống mới sẽ đi vào vận hành. Trên nền tảng hệ thống mới, các sản phẩm chờ đợi từ lâu sẽ được triển khai, đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư trong và ngoài nước, thêm điểm cộng cho thị trường chứng khoán trên hành trình nâng hạng. Nhiều mục tiêu cùng chờ đợi một nút thắt, với hy vọng sẽ không bị lỗi hẹn thêm lần nữa trong năm 2021 này.