08:06 05/11/2022

Giảm biên chế, sắp xếp bộ máy giúp tiết kiệm nguồn lực để tăng lương

Nhật Dương

Việc giảm tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế để cải cách hệ thống tổ chức bộ máy đã có tác động lớn, tạo điều kiện nâng lương, tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn để tạo nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh - Quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh - Quochoi.vn.

Chiều 4/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Vấn đề tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi đề nghị được lãnh đạo Bộ Nội vụ giải đáp.

Đại biểu Tao Văn Giót, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, đặt câu hỏi: một trong những mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi phí thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức; nguyên nhân của tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ một số lĩnh vực, địa phương.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tao Văn Giót, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đối với vấn đề tinh giản biên chế tác động tới cải cách tiền lương, trong thời gian qua, chúng ta giảm tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế để cải cách hệ thống tổ chức bộ máy, cải cách đội ngũ công chức viên chức.

Công tác này có tác động lớn, giúp tạo điều kiện nâng lương cho đội ngũ, tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn để tạo nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Công tác này sẽ còn được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Về vấn đề tinh giản biên chế, theo Bộ trưởng, trong thời gian qua đã có sự nỗ lực vượt bậc trong việc tinh gọn bộ máy, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng có tình trạng cào bằng, giảm theo hướng cơ học ở một vài nơi. 

Bộ trưởng cho rằng trong quá trình cơ cấu đội ngũ, thực hiện tinh giản, bước đầu phải thực hiện theo cách cơ học, giao chỉ tiêu. “Trước đó, nhiều năm chúng ta không đạt được con số 10% này. Hiện nay, tuy có tồn tại, hạn chế khi có nơi, có lúc còn xảy ra tình trạng cào bằng, tuy nhiên, nhìn chung việc tinh giản biên chế, bộ máy đã đạt được mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đề cập vấn đề việc phân bổ chỉ tiêu cũng như tinh giản biên chế ở một số nơi còn bất cập. Đại biểu thông tin, qua giám sát ở tỉnh Kiên Giang cho thấy TP. Phú Quốc là đơn vị có thu ngân sách chiếm khoảng 50% tổng thu ngân sách. Tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 25%-30% nhưng biên chế chỉ được bố trí ngang bằng với các huyện, thị khác. Một số địa phương khác cũng có tình trạng tương tự.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh - Quochoi.vn.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, việc bố trí biên chế và tinh giản biên chế phải gắn với tổ chức bộ máy phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là các địa phương có tính chất đặc thù. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Trả lời về vấn đề phân bổ chỉ tiêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhắc lại, trong giai đoạn vừa qua phải chấp nhận việc giao chỉ tiêu, cắt giảm biên chế một cách cơ học, vì nếu không giao chỉ tiêu thì rất khó thực hiện tinh giản biên chế.

Vì vậy, trong thời gian tới, sẽ từng bước hoàn thiện thêm, khắc phục hạn chế, bổ sung thêm cho phù hợp, nhất là với các địa bàn quy mô dân số lớn, căn cứ trên cơ sở khoa học chặt chẽ, từng bước cơ cấu lại để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Về ý kiến của đại biểu Trần Thị Hiền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, làm thế nào để giảm được 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện Quyết định số 40 của Bộ Chính trị trong đó xác định rõ mục tiêu từ 2022 đến năm 2026 chúng ta phải thực hiện được hai chỉ tiêu quan trọng nêu trên.

Bộ trưởng đánh giá, đây là bài toán cần sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng sức, đồng lòng, trước hết cần tiếp tục thực hiện thật tốt cải cách tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó sắp xếp lại tổ chức bộ máy đơn vị hành chính bên trong của tất cả các cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh cho đến Trung ương.

Công việc quan trọng nữa đó là sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đơn vị hành chính cấp xã.

“Vừa qua, Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề rất sâu, rất rộng với kết quả rất toàn diện về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2019 – 2021 cho thấy, chúng ta đã làm được những kết quả rất tốt và cần tiếp tục làm trong thời gian tới. Để thực hiện được việc giảm biên chế thì không còn cách nào khác, đó là phải tiếp tục cơ cấu và sắp xếp lại các tổ chức”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.

Nhóm vấn đề tiếp theo đó là cần tập trung hoàn thiện xong vị trí việc làm, khung năng lực của vị trí việc làm để xác định rõ biên chế của các cơ quan, đơn vị hành chính cũng như cơ quan, đơn vị sự nghiệp.

Vấn đề nữa theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính để số người không nhiều nhưng vẫn phải đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.