11:37 25/08/2021

Giam cầm "Chúa sơn lâm" vì mục đích thương mại

Chu Khôi

Hàng năm, lực lượng chức năng nước ta đã bắt giữ hàng chục vụ buôn bán hổ, báo trái phép. Các khu vực trọng điểm diễn ra các hoạt động buôn bán, tiêu thụ hổ trái phép là các tỉnh miền trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá từ đó vận chuyển đến nhiều tỉnh thành trong cả nước...

8 cá thể hổ bị chết ngoài ý muốn ngay sau khi được giải cứu tại Nghệ An.
8 cá thể hổ bị chết ngoài ý muốn ngay sau khi được giải cứu tại Nghệ An.

Ngày 24/8/2021, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNauture) tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Từ vụ tịch thu hổ nhìn lại việc kiểm soát nuôi nhốt, buôn bán và cứu hộ, bảo tồn hổ tại Việt Nam”.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature nhận định, thời gian qua công chúng dành sự quan tâm đặc biệt đối với vụ tịch thu 17 cá thể hổ trưởng thành bị nuôi nhốt trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Rất nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều xoay quanh chuyên án triệt phá bí mật của lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An, nhất là khi có 8 cá thể hổ bị chết ngoài ý muốn ngay sau khi được giải cứu.

SỐ LƯỢNG HỔ NUÔI NHỐT GIA TĂNG

Ông Vương Tiến Mạnh, Cơ quan Quản lý buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES Việt Nam), cho biết cách đây một thế kỷ, thế giới có khoảng 100 nghìn cá thể phân bố khắp lục địa châu Á.

Hiện nay, hổ trong tự nhiên chỉ còn phân bố ở 13 quốc gia: Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Bangladesh, LB Nga, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Cam Pu Chia, Lào, Việt Nam, Malaysia, Indonesia. Ước tính số hổ hiện còn trong tự nhiên còn khoảng 3.890 cá thể.

 
Các điều tra quốc tế chỉ ra thực tế, hổ, sản phẩm hổ ghi nhận buôn lậu từ các nước có trang trại hổ như Nam Phi, Cộng hoà Séc, Lào, Thái Lan và tại Việt Nam để phục vụ nấu cao, lấy da, móng, nanh.

Trong khi hổ trong tự nhiên ngày càng hiếm, thì số lượng hổ nuôi nhốt lại tăng lên gấp nhiều lần. Cụ thể, Hoa Kỳ ước tính có 5 nghìn cá thế hổ; Trung Quốc nuôi khoảng 6 nghìn cá thể hổ;  Thái Lan nuôi khoảng gần 2 nghìn cá thể hổ… Từ lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy hổ rất dễ nuôi sinh sản trong môi trường có kiểm soát.

Theo ông Mạnh, trên nghị trường quốc tế hiện tồn tại 2 quan điểm: một số quốc gia kịch liệt phản đối nuôi hổ như Ấn Độ, trong khi một số quốc gia ủng hộ nuôi hổ vì mục đích thương mại như Trung Quốc… Dẫn đến chưa có một giải pháp rõ ràng cho vấn đề này.

Theo thống  kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có khoảng 300 cá thể hổ đang được nuôi hợp pháp tại các cơ sở khác nhau, như các vườn thú sở hữu nhà nước và tư nhân; các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã; các cơ sở được Thủ tướng chính phủ cho phép nuôi thí điểm từ năm 2007.

Ngoài ra, nhiều cơ sở nuôi hổ trái phép, như các cơ sở tại Nghệ An được cơ quan chức năng phát hiện gần đây…

NHIỀU VỤ VI PHẠM ĐÃ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), cho biết hàng năm, lực lượng chức năng nước ta đã bắt giữ hàng chục vụ buôn bán hổ, báo trái phép. Trong đó có các đường dây buôn bán chuyên nghiệp; nhiều đối tượng bị xử lý hình sự.

Cụ thể, năm 2016, phát hiện 5 vụ buôn bán hổ trái phép, xét xử 4 vụ, trong đó có 1 vụ áp dụng hình phạt tù. Năm 2017, phát hiện 9 vụ buôn bán hổ trái phép, xét xử 7 vụ, có 2 vụ áp dụng hình phạt tù. Năm 2018, phát hiện 13 vụ, xét xử 10 vụ, có 3 vụ áp dụng hình phạt tù. Năm 2019, phát hiện 14 vụ buôn bán hổ trái phép, xét xử 13 vụ, trong đó có 9 vụ áp dụng hình phạt tù. Năm 2020, phát hiện 4 vụ buôn bán hổ trái phép, đã xét xử 2 vụ.

Giam cầm "Chúa sơn lâm" vì mục đích thương mại - Ảnh 1

Những vụ vi phạm nổi cộm như, Hoàng Đình Quân (Yên Thành, Nghệ An) vận chuyển trái phép 05 cá thể hổ con đông lạnh, một bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của hổ và nhiều sản phẩm khác của hổ cũng như của các loài động vật hoang dã khác từ tỉnh Nghệ An về tỉnh Quảng Ninh.

Đối tượng Hoàng Đình Quân đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long đưa ra xét xử ngày 14/9/2018, đưa ra án phạt 10 năm tù. Nguyễn Hữu Huệ (Diễn Châu, Nghệ An) vận chuyển trái phép 7 cá thể hổ con đông lạnh, bị TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử ngày 15/1/2020, với án phạt 6 năm tù. Nguyễn Bá Thìn bị TAND huyện Minh Hóa – Quảng Bình xét xử ngày 13/11/2018 với án phạt 5 năm tù.

Giam cầm "Chúa sơn lâm" vì mục đích thương mại - Ảnh 2

Trong hầu hết các vụ án có tang vật là hổ phát hiện tại các địa phương, hổ thường được khai báo có nguồn gốc từ Nghệ An. 

Theo nhiều nguồn tin, có hàng trăm cá thể hổ hiện vẫn đang bị nuôi nhốt trái phép trong hầm tại nhiều hộ dân trên địa bàn các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Yên Thành.

Các hoạt động buôn bán, tiêu thụ hổ và các sản phẩm từ hổ vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam và không có dấu hiệu “giảm nhiệt” qua các năm, đặc biệt phổ biến là hoạt động quảng cáo buôn bán các sản phẩm từ hổ trên Internet.

Hổ con thường có nguồn gốc từ các cơ sở gây nuôi tại Lào và được các đầu nậu thu mua đưa về nuôi nhốt tại Nghệ An đến khi đạt độ tuổi trưởng thành trước khi đưa đi tiêu thụ khắp cả nước.

Các chuyên gia cho rằng, ngay cả đối với các cơ sở nuôi hổ đã được cấp phép, vẫn chưa được quản lý, truy xuất đồng bộ (gắn chip, lấy mẫu AND), vì vậy, có thể dẫn đến rủi ro bị thay đổi nguồn gốc.

 
"Tất cả các cá thể hổ nuôi nhốt đều không có giá trị bảo tồn, việc cứu hộ và nuôi nhốt là vô cùng tốn kém và chỉ nhằm mục đích nhân đạo".
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV).

Vẫn còn hiện tượng nuôi hổ trái pháp luật với các thủ đoạn tinh vi, thiếu sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương. Trong khi đó, phối hợp liên ngành để phát hiện và ngăn chặn còn hạn chế.

Không ít nghiên cứu chỉ ra rằng các cơ sở nuôi nhốt hổ dính líu mật thiết đến các mạng lưới buôn lậu. Báo cáo tội phạm động vật hoang dã 2020 của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) khẳng định: “Hổ nuôi nhốt ở Việt Nam và Trung Quốc được sử dụng để tiêu thụ nội địa bất hợp pháp”.

Ông Trịnh Lê Nguyên cho biết, cũng chính vì mối lo ngại ràng hổ nuôi nhốt có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực bảo tồn cũng như dung dưỡng cho tội phạm động vật hoang dã mà từ năm 2007, Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã cấm nuôi hổ vì mục đích thương mại”,.

Các chuyên gia cho rằng, muốn ngăn chặn tình trạng nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép, cần tìm ra giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, xử lý được đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán mới có tác động mạnh mẽ, tích cực, mới có được kết quả của nỗ lực xử lý các vi phạm buôn bán, nuôi nhốt hổ nói riêng và buôn bán động vật hoang dã nói chung.