15:42 30/12/2022

Giảm cho không, hỗ trợ người nghèo bằng chính sách có điều kiện

Thu Hằng

Trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước có hạn, cần thay đổi cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, phát triển tín dụng chính sách xã hội, giảm hỗ trợ cho không, đặc biệt cần tập trung hỗ trợ người nghèo trong đào tạo nghề, nâng cao năng lực sản xuất, có việc làm, sinh kế…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin được đại diện Văn phòng quốc gia về giảm nghèo chia sẻ tại Hội thảo Công tác xã hội đối với người nghèo, sáng 30/12.

THU NHẬP, CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI NGHÈO TỪNG BƯỚC CẢI THIỆN

Chia sẻ về kết quả công tác giảm nghèo tại hội thảo, ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh văn phòng, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, cho biết triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật về giảm nghèo đã được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ cho người nghèo.

Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2022 bố trí khoảng 23.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội ước đạt 282.270 tỷ đồng, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.

Trong đó, chương trình cho vay dành riêng cho các đối tượng hộ nghèo nhằm giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nước sạch, điện thắp sáng và học tập đối với hộ nghèo, đã giúp họ ổn định cuộc sống, có vốn để sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội.

Ông Đặng Đức Thắng, Giám đốc Ban tín dụng người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội, đánh giá tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước, riêng trong giai đoạn 2016 – 2021 giảm từ 9,88% xuống còn 2,23%. Vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, đặc biệt là hộ nghèo.

“Người lao động thuộc hộ nghèo được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách tạo thu nhập. Việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước cũng góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, họ làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, thay đổi căn bản nhận thức sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Thắng nhấn mạnh.

Không chỉ hỗ trợ về tín dụng, ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến công tác chăm lo cho đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng yếu thế.

Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu trong công tác giảm nghèo. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo trước 10 năm so với mục tiêu đề ra trong lộ trình của Liên Hợp Quốc.

“Công tác giảm nghèo đã đem đến sự thay đổi rất lớn, đặc biệt là nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo. Chính phủ và các bộ, ngành cũng rất quan tâm đến việc làm thế nào để phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho người nghèo, giúp họ tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó, giải quyết vấn đề thu nhập là một trong những nội dung mà Chính phủ rất ưu tiên”, lãnh đạo cục Bảo trợ xã hội khẳng định.

GIẢM NGHÈO LÀ NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN, LÂU DÀI

Mặc dù đã đạt được nhiều bước tiến trong công tác giảm nghèo, song Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Nguyễn Lê Bình cũng cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế. Trước hết cần nhìn nhận là kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn cao.  

Ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh văn phòng, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo chia sẻ tại hội thảo. Ảnh - Nguyễn Sơn. 
Ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh văn phòng, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo chia sẻ tại hội thảo. Ảnh - Nguyễn Sơn. 

Cùng với đó, còn thiếu sự đồng bộ giữa việc ban hành chuẩn nghèo với điều chỉnh chính sách phù hợp để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa hiệu quả, chưa phù hợp với đặc thù vùng, miền. Đặc biệt, chưa có chính sách đặc thù đối với hộ nghèo không có khả năng lao động; một số địa phương còn để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách.

Hạn chế nữa là nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, việc bố trí ngân sách địa phương chưa được quan tâm; hiệu quả đa dạng, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước còn thấp. “Chúng ta rất ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo nhưng so với nhu cầu vẫn còn khá khiêm tốn, như vùng trung du và miền núi phía Bắc có nhu cầu lớn về về đường sá đi lại, nhu cầu về tưới tiêu của vùng Tây Nguyên là thiếu rất nhiều nhưng chưa đủ nguồn lực để đầu tư, mới chỉ được từng bước, từng phần”, ông Bình dẫn chứng.

Đại diện Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cũng đưa ra nhận định công tác giảm nghèo thời gian tới sẽ còn gặp nhiều thách thức Những khó khăn này đến từ các yếu tố như: Tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, xu hướng già hóa dân số, làm gia tăng các vấn đề về di cư tự do, chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng về mức sống và thu nhập.

Các yếu tố khác cũng được tính đến như đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là công nghệ số, chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ…

Đáng chú ý, việc giảm nghèo tại vùng “lõi nghèo” có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người còn rất cam go. Tình trạng nghèo từ tư tưởng còn là hiện tượng phổ biến do phong tục, tập quán, mặt bằng dân trí, trình độ sản xuất hạn chế. Ngoài ra, điều kiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo còn rất khó khăn, đòi hỏi phải có nguồn lực lớn để đầu tư trong khi khả năng ngân sách còn hạn chế.

Trước những bối cảnh đó, một trong những giải pháp được đề xuất là cần đặt yêu cầu thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững là trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài.

Đặc biệt, cần đổi mới cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, phát triển tín dụng chính sách xã hội, giảm hỗ trợ cho không. Trong đó, cần tập trung hỗ trợ người nghèo trong đào tạo nghề, nâng cao năng lực sản xuất, có việc làm, sinh kế, đất sản xuất, nhà ở, nâng cao thu nhập và giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản…