13:36 29/09/2022

Huyện “lõi nghèo” có thể khó đạt tỷ lệ giảm nghèo

Tuấn Dũng

Tình trạng dịch bệnh giai   – Đông tới cũng như cơn bão số 4 vừa xảy ra có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ giảm nghèo năm 2022 ở các huyện “lõi nghèo”…

hướng dẫn người dân xã Nà Hỳ chăm sóc bò được hỗ trợ. Ảnh: Văn Tâm
hướng dẫn người dân xã Nà Hỳ chăm sóc bò được hỗ trợ. Ảnh: Văn Tâm

Từ nay đến hết năm 2022, công tác giảm nghèo quốc gia càng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn hơn. Trước mắt, đó là công tác giảm nghèo bền vững sẽ tiếp tục đối mặt với những tác động của dịch bệnh cũng như bão lụt tàn phá vào những tháng cuối năm.

Hiện nhiều cơ quan y tế công của một số nước cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về xu hướng số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại trong giai đoạn Thu - Đông này.

 

Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo và công tác giảm nghèo.

Ở Việt Nam, Bộ Y tế xác định  dịch Covid-19 đang được kiểm soát nhưng đang phải cảnh giác với các biến chủng mới của nó. Tuy vậy,  tình hình các dịch bệnh như sốt xuất huyết, dịch adenovirus… đang gia tăng trong giai đoạn này cũng sẽ gây thêm áp lực cho kế hoạch giảm nghèo của năm 2022.

Trước thực trạng như vậy, ông Lê Văn Thanh Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết mục tiêu đặt ra của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vẫn phải đảm bảo tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Lao động Thương Binh  và Xã hội đã, đang xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025. Đó là những văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý cũng như hướng đi cho giảm nghèo bền vững theo các tiêu chí mới.

Cụ thể, đó là Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 – 2025 cùng một số văn bản bản hướng dẫn khác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan khác.

 

Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ, mục tiêu của Chương trình là: Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Theo QĐ số 880/QĐ-TTg,  các huyện nghèo thuộc phạm vi Quyết định này phấn đấu, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều) giảm 6% - 7%/năm, quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều cuối kỳ giảm ít nhất 60% so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Với mức giảm bình quần hộ nghèo đa chiều 6% - 7% / năm trong tình trạng thiên tai, dịch bệnh như vậy là rất khó khăn.

Vì thế, từ nay đến cuối năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt ra nhiệm vụ trọng tâm cho công tác giảm nghèo bền vững tại các huyện trọng điểm  này là phải chuyển mạnh từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển của người dân.

Phải từng bước thực hiện mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn tại các huyện này. Tạo động lực phát triển địa bàn nghèo trên cơ sở tập trung, lồng ghép nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; trọng tâm lấy phát triển kinh tế vùng, địa phương để giảm nghèo bền vững thông qua triển khai các dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.

Đối với hộ nghèo, cần thực hiện đổi mới phương thức hỗ trợ riêng lẻ từng hộ sang hỗ trợ tập trung thông qua các mô hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư); hộ gia đình tham gia đóng góp bằng ngày công lao động, hiện vật, tài sản hoặc tiền; từng bước xóa bỏ chính sách cho không; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, nội lực vươn lên thoát nghèo.

Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, chuyển dịch lao động phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Nếu trước đây việc hỗ trợ cho người nghèo là riêng lẻ theo từng hộ gia đình, thì nay sẽ tập trung vào hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng; phát triển và nhân rộng các mô hình; dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp…