10:08 09/09/2024

Giám đốc bỏ trốn sau khi ký hợp đồng khống vay vốn ngân hàng

Đỗ Mến

Tại cơ quan điều tra, bị can Phấn thừa nhận Công ty Hàn Quốc không có hoạt động nhập khẩu hay mua bán ô tô. Sau khi làm việc với công an, bị can này bỏ trốn khỏi nơi cư trú từ tháng 5/2021 nên cơ quan điều tra ra quyết định truy nã...

Ảnh mih họa.
Ảnh mih họa.

Trước đó, năm 2020, TAND quận Ba Đình có công văn đề nghị cơ quan điều tra - Công an TP Hà Nội làm rõ dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Lương Hồng Phấn, Giám đốc Công ty TNHH phát triển thương mại Hà Nội (viết tắt là Công ty Hà Nội)

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2010-2012, Lương Hồng Phấn có hành vi chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng của ngân hàng.

Cáo buộc thể hiện, Lương Hồng Phấn là giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Hà Nội chuyên kinh doanh xe ô tô. Ngoài ra Phấn còn thành lập, điều hành Công ty TNHH kinh doanh ô tô Hàn Quốc, nhờ cháu rể là Khương Vũ Hưng làm giám đốc.

Công ty Hà Nội có ký các hợp đồng vay vốn ngân hàng từ năm 2005-2010. Theo cáo trạng, Lương Hồng Phấn lập khống các hợp đồng mua bán ô tô giữa Công ty Hà Nội với Công ty Hàn Quốc, Công ty TNHH Nhân Hưng nhằm hoàn thiện thủ tục vay vốn.

Sau khi ngân hàng giải ngân tiền vào tài khoản Công ty Hàn Quốc, Công ty Nhân Hưng thì Phấn cử nhân viên rút tiền mặt, rồi nộp lại tiền vào tài khoản Công ty Hà Nội để đáo hạn các khoản vay.

Theo hồ sơ, Phấn sử dụng hợp đồng mua bán khống với Công ty Hàn Quốc để mua xe ô tô Hyundai và được giải ngân hơn 82 tỷ đồng. Phấn sử dụng 66,9 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng và sử dụng mục đích cá nhân. Số tiền hơn 15,9 tỷ đồng Phấn chiếm đoạt của ngân hàng.

Cụ thể, ngày 12/4/2010, Lương Hồng Phấn gửi giấy đề nghị vay vốn 20 tỷ đồng với mục đích kinh doanh xe ô tô tải các lại, thế chấp bất động sản ở phố Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội và tài sản hình thành trong tương lai là các loại xe và giấy tờ xe ô tô Hino, Hyundai, Sanyo…

Ông Nguyễn Văn Ngọ, cán bộ tín dụng có báo cáo thẩm định về việc cho vay hạn mức để bổ sung vốn lưu động cho Công ty Hà Nội.

Sau khi thẩm định, ông Ngọ có nhận xét Công ty Hà Nội là khách hàng được xếp loại A trong 3 năm liên tục chấp hành nghiêm kỷ luật tín dụng, kế hoạch kinh doanh năm 2010 mang tính khả thi cao, có tiềm lực tài chính tốt, đủ khả năng trả nợ gốc lãi và được duyệt vay. Ngày 14/5/2010, Công ty Hà Nội và ngân hàng ký hợp đồng tín dụng. Sau đó, ngân hàng giải ngân thông qua 44 giấy nhận nợ.

Cáo buộc thể hiện, sau khi giải ngân, cán bộ tín dụng, trưởng phòng tín dụng, giám đốc chi nhánh ngân hàng không kiểm tra sau vay dẫn đến việc không phát hiện Công ty Hà Nội sử dụng phương án vay vốn khống…

Cơ quan điều tra xác định, tính đến ngày 31/5/2022, Lương Hồng Phấn chiếm đoạt hơn 15,9 tỷ đồng của ngân hàng. Trong đó, một số cán bộ ngân hàng có sai phạm vì không kiểm tra, thẩm định thực tế phương án vay vốn dẫn đến pương án kinh doanh không có thật; không kiểm tra sau vay dẫn đến khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích…

Xác minh cho thấy, 9 xe ô tô làm tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai thì trong hợp đồng thế chấp không ghi số khung, số máy, không có biên bản giao nhận hồ sơ xe.

Ngoài ra, tài liệu cho thấy, thời điểm ký hợp đồng thế chấp, Công ty Hà Nội đã bán 5 xe ô tô. Còn 4 xe ô tô Huyndai được Công ty Hà Nội nhập về trước khi ký hợp đồng thế chấp và công ty đã bán xe cho khách hàng. Như vậy, 4 bộ hồ sơ xe Huyndai không có tính pháp lý để làm tài sản bảo đảm. Đồng nghĩa là khoản vay của công ty không có tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai.

Còn bất động sản ở Tân Mai đã được bảo đảm cho khoản vay khác của Công ty Hà Nội. Ngân hàng đã giải chấp, trả sổ đổ cho chủ tài sản theo phán quyết của tòa án năm 2022. Như vậy, khoản vay của công ty thực tế không có tài sản bảo đảm.

Tại cơ quan điều tra, Lương Hồng Phấn thừa nhận Công ty Hàn Quốc không có hoạt động nhập khẩu hay mua bán ô tô. Sau đó, Phấn bỏ trốn khỏi nơi cư trú từ tháng 5/2021. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã với giám đốc Công ty Hà Nội.

Hiện nay TAND TP Hà Nội thụ lý vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng với 2 cán bộ ngân hàng.

 

Đối với Khương Vũ Hưng, giám đốc Công ty Hàn Quốc, ký các giấy tờ theo yêu cầu của Phấn. Do Phấn đã bỏ trốn, chưa truy bắt được nên chưa có căn cứ đánh giá Hưng giúp sức cho Phấn chiếm đoạt tiền ngân hàng. Cơ quan điều tra chưa đề cập xử lý, khi nào bắt được bị can Phấn thì tiếp tục xử lý.