Giám sát 2019 của Quốc hội: Quan tâm phòng, chống cháy nổ
Lựa chọn của các vị Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề cho giám sát tối cao khá khác nhau
Tiếp tục phiên họp thứ 23, sáng 17/4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2019.
Từ 190 nội dung đề xuất của các cơ quan, Tổng thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 6 nội dung để trình Quốc hội xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2019.
Thứ nhất, việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2009-2018
Hai, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi và khu vực biên giới giai đoạn 2009-2018.
Ba, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và công tác quản lý quy hoạch, xây dựng công trình đô thị giai đoạn 2009-2018.
Bốn, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ giai đoạn 2009-2018.
Năm, việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2009 – 2018.
Sáu, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nước giai đoạn 2009-2018.
Phần thảo luận, lựa chọn của các vị Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề cho giám sát tối cao khá khác nhau. Chuyên đề thứ tư nhận được sự quan tâm của hầu hết các ý kiến, còn chuyên đề ba được đề nghị khuôn gọn lại ở đất đai đô thị để đảm bảo khả thi.
Một số chuyên đề khác cũng được đề cập như lao động, việc làm và dạy nghề, thi hành án, bình đẳng trong thu hút đầu tư...
Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần giám sát tối cao về lĩnh vực tư pháp. Còn chuyên đề về phòng chống cháy nổ có thể không đặt vấn đề giám sát tối cao nhưng cũng cần giám sát để đánh động cho toàn xã hội, cơ quan quản lý nhà nước và cả nhân dân.
Chọn vấn đề giám sát phải có tính thời sự, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Nhấn mạnh sự khác biệt là các chuyên đề đều giám sát 10 năm chứ không phải 5 năm như mọi khi, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng nên cân nhắc thời điểm từ nhiệm kỳ khoá 13 và từ khi có luật mới nhất.
Do các lựa chọn còn rất khác nhau, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Văn phòng Quốc hội chỉnh sửa nội dung các chuyên đề cho chặt chẽ, bổ sung một số chuyên đề mới và đề xuất bằng văn bản để xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bẳng văn bản, trước khi trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp tới.