"Giằng co" trên thị trường cà phê
Từ tuần cuối tháng 10/2020 đến giữa tháng 11/2020, giá cà phê trên các sàn thế giới diễn biến ngược chiều
Việt Nam chính thức bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2020-2021 từ cuối tháng 10/2020. Tuy nhiên, cơn bão số 9 và số 10 đã đổ bộ trực tiếp vào vùng sản xuất cà phê trọng điểm của Việt Nam khiến nhiều vườn cà phê bị thiệt hại nặng nề. Việc này đang đẩy giá cà phê Robusta tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Theo Cục Chế biến và xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 10/2020 nước ta xuất khẩu 90 nghìn tấn cà phê, đem về 167 triệu USD. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu cà phê đạt 1,34 triệu tấn và 2,32 tỷ USD, giảm 1,3% về khối lượng và giảm 0,7% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Đức, Mỹ và Ý tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13%; 9,3% và 8,3%.
CÁC LỰC TÁC ĐỘNG LÊN GIÁ CÀ PHÊ
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 10 tháng qua đã tăng ở nhiều thị trường: Ba Lan tăng 44,2%; Nhật Bản tăng 17,2%; Hàn Quốc tăng 9,8%. Giá trị xuất khẩu cà phê giảm mạnh nhất tại thị trường Anh (giảm 32,3%), Thái Lan (giảm 16,1%). Giá cà phê xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2020 đạt 1.740 USD/tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ 2019. Tháng 10/2020, giá cà phê xuất khẩu bình quân 1.852 USD/tấn, giảm 1,8% so với tháng 9/2020 nhưng tăng 2,6% so với cùng kỳ 2019.
Trong tháng 10/2020, giá cà phê thế giới trên các sàn phái sinh đều biến động giảm. So với tháng 9/2020, giá cà phê Robusta tại sàn London giảm 34 USD/tấn xuống còn 1.271 USD/tấn. Tại thị trường New York, giá cà phê Arabica giảm 1,5% xuống còn 2.344 USD/tấn. Giá cà phê giảm do thị trường không như kỳ vọng vì gói tài trợ mới chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. Ngoài ra, nguyên nhân chủ yếu của đà giảm giá vẫn do đồng Real Brazil tiếp tục sụt giảm, trở thành đồng nội tệ mất giá nhiều nhất trên thị trường tiền tệ thế giới. Theo đó, giá cả nông sản toàn cầu vẫn đứng ở mức thấp, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực của Brazil như cà phê hay mía đường...
Tuy nhiên, từ tuần cuối tháng 10/2020 đến giữa tháng 11/2020, giá cà phê trên các sàn thế giới diễn biến ngược chiều. Giá Robusta tăng do các trận bão Molave và bão Goni đã gây nhiều thiệt hại cho vùng cà phê Việt Nam. Trong khi, giá cà phê Arabica tiếp tục giảm do nhiều nước EU cấm hàng quán hoạt động để ngăn dịch. Một số nước đã lên tiếng hạn chế tối đa các chuyến bay ra vào cho đến đầu năm 2021. Đây cũng là yếu tố làm dự báo tiêu thụ Arabica giảm trong thời gian dài. Trong khi đó, giá trị đồng USD tăng lên mức cao nhất tính từ hơn một tháng, trong khi đồng nội tệ Brazil (Brl) giảm xuống mức thấp nhất tính từ 16 tuần nay (có lúc chạm 5,80 Brl) gây tác động tiêu cực thêm cho sàn arabica.
Chốt đến đóng cửa ngày 30/10/2020, giá cà phê Robusta đứng mức 1.351 USD/tấn, tăng 46 USD trong biên độ dao động 1.362/1.296; sàn Arabica chốt ở 106.85 cts/lb giảm 1,55% hay -34 USD/tấn trong biên độ 110.80/105.70. Giá cà phê Eobusta liên tục tăng mạnh trong nửa đầu tháng 11/2020.
Đặc biệt chỉ trong ngày 17/11/2020, giá cà phê Robusta tại London tăng 32 USD/tấn (2,3%) so với ngày 14/11 (ngày kết thúc giao dịch tuần trước), đạt tới mức 1.426 USD/tấn cho những lô hàng giao ngay; những lô hàng giao tháng 3/2021 tăng 30 USD ở mức 1.449 USD/tấn. Trong khi đó, tại sàn New York ở Mỹ, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2020 tăng 6,4 cent/lb (5,86%) ở mức 115,65 cent/lb, giao tháng 3/2021 tăng 6,55 cent/lb (8,84%) lên mức 118,75 cent/lb.
Theo phân tích trên thế giới, những lực tác động đẩy giá cà phê xuống, chính là Covid-19. Đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai thực sự gây hoang mang cho giới đầu tư toàn cầu, Chính phủ nhiều nước EU như Pháp, Đức, Anh... áp dụng lại chế độ giãn cách xã hội. Một lực khác cũng tác động bất lợi đến giá cà phê là giới đầu tư chờ đợi với tâm lý chưa có gì chắc chắn về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Chính vì thế, các chuyên gia tài chính cho rằng, giới đầu tư đã chọn đồng USD làm nơi trú ẩn an toàn, nên vẫn có tâm lý thoái vốn từ hầu hết các sàn giao dịch tài chính.
Một lực đẩy tăng giá cà phê chính là mưa bão, thiên tai. Lực này được đánh giá là đang rất mạnh, đang thắng thế trước lực do Covid gây ra. Phân tích nguồn cung cà phê trên thế giới vừa mới đưa ra dự báo: sản lượng cà phê Colombia, nước xuất khẩu cà phê chế biến ướt có ảnh hưởng lớn lên sàn New York niên vụ 2020-2021 ước đạt 14,2 triệu bao (bao=60 kgs), giảm 0,7% so với năm trước. Tại vùng Trung và Nam Mỹ, sản lượng niên vụ mới ước giảm 5,26% đạt 3,6 triệu bao, Guatemala giảm 6,06% đạt 3,1 triệu bao, Honduras tăng 5,26% đạt 6 triệu bao và El Salvador giảm 14,3% đạt 0,6 triệu bao, Nicaragua giảm 14,81% đạt 2,3 triệu bao.
Cơn bão Goni là cơn bão số 10 ảnh hưởng đến Việt Nam từ đầu năm nay đã gây thiệt hại nặng nề tại vùng trồng cà phê Đắk Lắk và Gia Lai của Việt Nam. Trong khi cơn bão Molave (số 9) trước đó đã ảnh hưởng khá nặng nề tại hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, cả hai tỉnh chiếm khoảng 25% diện tích cà phê của cả nước. Nhiều diện tích cà phê bị gãy đổ và ngập úng, trái rụng nhiều do trước đó chịu những trận hạn dài ngày. Đến cuối tháng 10/2020, nhiều nơi tại vùng cà phê trọng điểm của Việt Nam là Tây Nguyên vẫn chưa thu hái do trái cà phê chậm chín vì thời tiết thiếu nắng và ẩm ướt.
NGƯỜI TRỒNG CÀ PHÊ VẪN NHIỀU NỖI LO
Việt Nam chính thức bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2020-2021 vào cuối tháng 10/2020. Tháng 10 so với tháng 9/2020, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 500 – 600 đ/kg lên mức 31.800 – 32.600 đ/kg. Giá cà phê cao nhất ở khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng. Ngày 17/11, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên đang ở mức 33.600 – 34.200 đồng/kg (tùy địa phương), tăng trên dưới 2.000 đồng/kg so với ngày 30/10. Giá cà phê trong nước thời gian tới được nhận định tiếp tục xu hướng tăng giá bởi diễn biến phức tạp của thời tiết ở miền Trung và Tây Nguyên là nguyên nhân chính gây thu hẹp nguồn cung, cà phê chín muộn do mưa nhiều đẩy thời gian thu hoạch giãn xa hơn.
Thời điểm hiện tại, vựa cà phê Đăk Lắk đã bắt đầu vào vụ thu hái sản phẩm. Tuy nhiên trái ngược với không khí rộn ràng những ngày vào mùa các năm trước, năm nay, người trồng cà phê ở Tây Nguyên đang bước vào mùa thu hái với nhiều nỗi lo. Dù trái cà phê chưa đạt tỷ lệ quả chín, song rất nhiều hộ gia đình đã phải huy động bà con, anh em đến thu hái cà phê giúp gia đình để chạy lũ. Tại Đắk Hà, do ảnh hưởng mưa bão, mực nước tại sông Đăk Pxi dâng cao đã làm nhiều vườn cà phê bị ngập úng cục bộ và bắt đầu xuất hiện tình trạng trái rụng. Việc thu hái sớm, dù biết là không đạt sản lượng và chất lượng nhưng vẫn là giải pháp duy nhất để phòng việc mất trắng nếu tình trạng mưa bão tiếp tục kéo dài.
Không chỉ các hộ nông dân có diện tích nằm trên lưu vực các sông suối lớn, nhiều hộ gia đình khác cũng tổ chức hái sớm do thời gian qua, ảnh hưởng của việc thời tiết thất thường cộng với nhiều cơn bão liên tục trong thời gian ngắn đã gây ra hiện tượng rụng trái hàng loạt ở nhiều địa phương. Vì vậy, với quan niệm "xanh nhà hơn già đồng", thu hái kịp thời vẫn hơn để vốn liếng đầu tư cả năm của gia đình bị mưa lũ cuốn.
Trong khi đó, chi phí đầu tư vào sản xuất cà phê vẫn tăng đều đặn qua các năm, nhưng mức giá cà phê hiện tại trên thị trường không thấy dấu hiệu khả quan. Nhiều người trồng cà phê đang bước vào một vụ mùa thu hái với tâm lý không mấy vui vẻ, khi lợi nhuận thu được không đáng là bao. Giải pháp được lựa chọn nhiều năm nay là phơi, xay trữ nhân chờ được giá thì mới bán. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản chi phí đầu tư từ đầu năm đến khi thu hái phải nằm im gánh lãi.
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo, triển vọng thị trường xuất khẩu cà phê 2 tháng cuối năm và những tháng đầu năm mới sẽ rất khả quan. Không chỉ bởi sản lượng thu hoạch sụt giảm ở nhiều nước, mà đáng chú ý Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu cà phê tăng trong thời gian tới.
Theo EVFTA, EU xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 – 11% xuống 0%), các loại cà phê chế biến từ 9 – 12% xuống còn 0%. Đồng thời, mặt hàng cà phê là 1 trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào hoạt động. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các nước xuất khẩu cà phê khác tại thị trường EU. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu cà phê đến hơn 80 thị trường trên thế giới. Trong đó, Đức và Mỹ là hai thị trường dẫn đầu với lượng nhập khẩu trên 10% cà phê của Việt Nam, xếp sau lần lượt là các thị trường Tây Ban Nha, Ý và Nhật Bản.
TĂNG CHẾ BIẾN VÀ TIÊU THỤ NỘI ĐỊA
Theo Vicofa, tuy là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới (riêng cà phê Robusta, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới với tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 11,6 - 11,8 triệu tấn, kim ngạch 2,6 - 2,8 tỷ USD), thế nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa bao giờ ở mức cao do sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chưa qua chế biến.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, những năm qua, đặc biệt là năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid khiến giá cà phê trên thế giới giảm quá sâu, xuất khẩu khó khăn, các doanh nghiệp cà phê đã tìm cách tăng tiêu thụ tại thị trường trong nước, coi đây là giải pháp vượt qua lúc gian khó. Người tiêu dùng cà phê Việt Nam ngày càng có xu hướng tiêu dùng cà phê nguyên chất song tỷ lệ tiêu dùng cà phê của người dân Việt Nam vẫn còn thấp.
Theo số liệu công bố năm 2018 - 2019, Việt Nam tiêu thụ khoảng 162.000 tấn cà phê. Cách đây 5 - 10 năm trước, tỷ lệ tiêu thụ cà phê nội địa chỉ đạt khoảng 6 -7% sản lượng cả nước với 0,5kg/người/năm. Đến nay, tiêu thụ cà phê nội địa của Việt Nam đã tăng mạnh trên dưới 13% sản lượng, tương đương khoảng 200.000 tấn/năm với khoảng 2kg/người/năm.
Trước đây sản phẩm cà phê tiêu thụ nội địa chỉ có ít thương hiệu doanh nghiệp trong nước như Vinacaphe Biên Hoà, Trung Nguyên, Phuơng Vy... Chỉ 5 năm gần đây, cùng với sự phát triển tiêu thụ cà phê nội địa thì hàng loạt các thương hiệu cà phê Việt Nam xuất hiện và được người tiêu dùng biết đến. Đặc biệt, 2 công ty cà phê là Intimex và Tín Nghĩa đã đầu tư 30 triệu USD để xây dựng hệ thống nhà máy cà phê rang xay, hoà tan, tạo nguyên liệu và sản phẩm chất lượng cho thị trường nội địa.
Theo ông Lương Văn Tự, dù khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam rất lớn, nhưng cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu vẫn rất ít, những năm trước, tổng tỷ trọng 2 loại này chỉ ở mức trên dưới 5% trong tổng khối lượng cà phê xuất khẩu. Trong khi, cà phê rang xay, hòa tan hiện đang được các nước trên thế giới ưa chuộng. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, khi nền kinh tế của toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề nhưng nhu cầu tiêu thụ cà phê vẫn không hề giảm mà ngày càng tăng do người dân ở châu Âu và châu Mỹ ở nhà nhiều hơn. Bởi vậy, dù xuất khẩu cà phê nhân sụt giảm do khâu vận chuyển, lưu thông khó khăn nhưng xuất khẩu cà phê rang xay, hoà tan năm nay lại tăng mạnh, đã chiếm 12% trong tổng lượng xuất khẩu cà phê cả nước.
Theo Vicofa, số liệu gần đây cho thấy, cà phê hòa tan chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam đang có cơ hội sẽ trở thành quốc gia sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu thế giới do sở hữu nguồn cà phê Robusta dồi dào, là nguyên liệu chính để chế biến cà phê hòa tan. "Từ nay đến cuối năm, ngành cà phê cố gắng sẽ xuất khẩu bằng năm ngoái với 1,6 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,8 tỷ USD. Nếu có giảm thì chỉ giảm ít, nhưng lượng xuất khẩu cà phê rang xay, hoà tan phải tăng thêm trong sản lượng xuất khẩu", ông Tự cho hay.
Để phát triển thị trường cà phê nội địa và xuất khẩu bền vững, chiến lược ngành cà phê xác định sang thời kỳ mới, không tăng diện tích mà tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu theo hiệp định thương mại mới là mở rộng thị trường cà phê rang xay, hòa tan Việt Nam.
Vicofa khuyến cáo: các doanh nghiệp phải đầu tư khâu chế biến, chất lượng, xây dựng thương hiệu, quảng bá và đẩy mạnh mở rộng thị trường. Thời gian tới, các doanh nghiệp cà phê tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cà phê rang xay hoà tan và những sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, doanh nghiệp không nên chạy theo số lượng xuất khẩu lớn mà có thể tập trung đẩy mạnh xuất khẩu theo đơn hàng nhỏ nhưng thuộc đặc sản chất lượng cao, giá trị gia tăng cao.
Ngành cà phê đang phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu không chỉ 3 tỷ USD mà sẽ tăng gấp đôi là 6 tỷ USD theo mục tiêu Chính phủ đề ra. Trong đó, xuất khẩu cà phê rang xay, hoà tan tăng 30%. Nhằm thực hiện mục tiêu này, ngành cà phê cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành hiệu quả, xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao. Thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu. Tăng cường liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê với mục đích ổn định xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường.