Quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt tốc độ phát triển ấn tượng
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Hoa Kỳ
Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2020 với chủ đề "25 năm quan hệ kinh tế, thương mại và con đường phía trước" tổ chức ngày 18/11.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao, lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương và lên gần 75,7 tỷ USD năm 2019.
10 tháng năm 2020, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đạt 73,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,3 tỷ USD, nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 11,6 tỷ USD.
Tính lũy kế đến tháng 9/2020, Hoa Kỳ xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 1.063 dự án và tổng vốn đăng ký là 9,4 tỷ USD.
Kể từ năm 2018, Diễn đàn thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã trở thành một sự kiện thường niên, là địa chỉ tin cậy giúp cung cấp thông tin, cập nhật về định hướng xây dựng chính sách phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam và Hoa Kỳ; đưa ra những phân tích, nhận định, giải pháp cho doanh nghiệp, đề xuất Chính phủ các giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương. Đồng thời, Diễn đàn cũng là cơ hội quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh cho giai đoạn sắp tới.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong thời gian qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Hoa Kỳ.
Thứ trưởng đánh giá đây là thành tựu của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn.
Hai nước cũng đang triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để xử lý các vấn đề tồn tại trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên.
Ông Đỗ Thắng Hải đánh giá, về bản chất, nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư cùng có lợi với Hoa Kỳ và cùng Hoa Kỳ nghiên cứu, khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế số ở Việt Nam ngày càng phát triển, do đó vấn đề an toàn, an ninh mạng rất quan trọng và đây sẽ là lĩnh vực hợp tác rất triển vọng giữa Việt Nam với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đặc biệt, Tp. HCM đang định hướng phát triển là trung tâm tài chính khu vực theo hướng kết nối fintech với đô thị sáng tạo, đồng thời muốn phát triển thị trường giao dịch hàng hóa để Việt Nam kết nối gần hơn với thị trường hàng hóa thế giới. Đây cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng mà doanh nghiệp hai nước có thể mở rộng hợp tác.
Bà Marie Christine Damour, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Tp. HCM cho rằng, hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng - những lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp Hoa Kỳ, do đó doanh nghiệp hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng quan tâm tới phát triển kinh tế số tại Việt Nam, như thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh, hay hợp tác trong ngành hàng không, nông nghiệp và giáo dục...