09:41 11/04/2023

Giao dịch bất động sản ở Lâm Đồng giảm mạnh

Ban Mai

Trong quý 1/2023, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 3.542 giao dịch thông qua phòng công chứng, giảm gần 9.000 giao dịch so với năm ngoái…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo báo cáo quý 1/2023 của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, lượng giao dịch bất động sản thông qua công chứng giảm gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 91% (hơn 3.542 giao dịch) là đất nền; nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư chỉ có lần lượt 287 và 8 giao dịch. Cấp phép xây dựng bất động sản của tỉnh cũng sụt giảm 50%.

Báo cáo tổng kết quý 1/2023 của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cũng cho thấy số thu thuế, phí từ bất động sản có dấu hiệu sụt giảm qua các tháng gần đây. Trong đó, thuế thu từ nhà đất và lệ phí trước bạ chỉ đạt lần lượt 69% và 57% so với quý 1/2022. Nguyên nhân là số hồ sơ giao dịch chuyển nhượng bất động sản giảm, còn một nửa.

Các địa bàn có lượng giao dịch giảm mạnh là TP. Đà Lạt, TP. Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng. Những nơi này từng là điểm nóng về đầu tư lướt sóng bất động sản giai đoạn 2020-2021.

Theo một nhà đầu tư bất động sản tại huyện Bảo Lâm, giá đất tăng vùn vụt. Chẳng hạn trên đường DT 725 nếu như vào năm 2017, giá đất là 80 triệu đồng/mét ngang, thì đến năm 2020 lên tới 210-230 triệu đồng/mét ngang. Giữa 2021 tới năm 2022 - 2023, đất ở đây được rao với giá 450 - 700 triệu đồng/mét ngang.

Đối với đất vườn, nếu như năm 2015 giá đất vườn là giá 100 triệu đồng/sào (1 sào là 1000 m2), đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023 được rao bán với giá 1 tỷ đồng/sào.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản Lâm Đồng có hiện tượng nhiều chủ đất giảm giá 20-30% để thu hồi vốn. Đại diện một công ty bất động sản tại Bảo Lâm cho biết, thanh khoản giảm tới 70%-80% so với trước đây, giá giảm 20-30% nhưng vẫn khó chốt được giao dịch. Lượng khách đi xem đất cũng vắng hẳn. Nếu như trước đây, vào thời điểm nóng sốt, mỗi tuần công ty có thể đưa khoảng 40-50 khách lên xem dự án. Hiện giờ có khi 2-3 tuần mới có vài khách và thăm dò thị trường là chủ yếu.

Thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp xuống tại địa phương là TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm để hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện các chỉ đạo của tỉnh trong vấn đề gỡ khó phân lô, tách thửa và các vấn đề liên quan bất động sản. Sau đó, sẽ lần lượt thực hiện với các địa phương còn lại.

Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương rà soát lại các dự án và tháo gỡ khó khăn trong công tác tách thửa, thẩm định hệ số giá đất cho phù hợp. Các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản theo đúng quy định, tuyệt đối không để hình thành các khu dân cư, các dự án bất động sản trái phép, không phù hợp với quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị).

Đối với các khu vực, diện tích đất hộ gia đình, cá nhân đã hiến đất, làm đường và tách thửa, hình thành các khu, điểm dân cư mới (thực chất đây là các dự án kinh doanh bất động sản), UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các huyện, thành phố tiến hành rà soát và xử lý với những giải pháp cụ thể.