12:13 12/10/2021

Giao dịch chững lại, VN30-Index ngập ngừng tại đỉnh cũ

Kim Phong

Yếu tố vốn hóa của các trụ đang đóng vai trò quan trọng đẩy các chỉ số quay lại đỉnh cao lịch sử. VN-Index đang hướng tới đỉnh lịch sử tháng 7, trong khi VN30-Index sáng nay vẫn gặp khó khăn tại đỉnh tháng 8. Không có trụ nào nổi bật trong sáng nay...

Không còn nhóm cổ phiếu dẫn dắt, VN-Index sáng nay chỉ trồi sụt đi ngang.
Không còn nhóm cổ phiếu dẫn dắt, VN-Index sáng nay chỉ trồi sụt đi ngang.

Yếu tố vốn hóa của các trụ đang đóng vai trò quan trọng đẩy các chỉ số quay lại đỉnh cao lịch sử. VN-Index đang hướng tới đỉnh lịch sử tháng 7, trong khi VN30-Index sáng nay vẫn gặp khó khăn tại đỉnh tháng 8. Không có trụ nào nổi bật trong sáng nay.

VN-Index lẫn VN30-Index tuy vẫn tăng nhưng thực tế gần như bò ngang trong phiên sáng. Trong nhóm blue-chips VN30 chỉ có 3 mã tăng trên 1% và không cổ phiếu nào thuộc nhóm trụ.

Kéo hai chỉ số này tốt nhất là VIC cũng chỉ tăng 0,76% so với tham chiếu. MWG tăng 1,78%, POW tăng 1,21% và VRE tăng 1,15% là những cổ phiếu tăng mạnh nhất. Trong khi đó cổ phiếu ngân hàng khá thất vọng.

BID đang tăng khá nhất nhóm ngân hàng blue-chips cũng mới vượt tham chiếu 0,88%. Mã này tụt tới gần 1% so với giá cao nhất ngay sau khi mở cửa. CTG, cổ phiếu rất mạnh hôm qua, đầu phiên vọt cao thêm 1,61% nhưng đến cuối phiên lại giảm 0,16%, tương đương tụt dốc 1,75% trong ngày. ACB đang tăng 0,15%, MBB tăng 0,17%, STB tăng 0,19%, TCB tăng 0,19%. Còn lại VCB tham chiếu, VPB giảm 0,82%, TPB giảm 0,35%, HDB giảm 0,58%.

Nhóm trụ còn lại thì VNM, GAS, SAB tăng không đáng kể, HPG tham chiếu, MSN, VHM lại giảm. Như vậy dù tổng thể rổ VN30 có 14 mã tăng/13 mã giảm nhưng vẫn chỉ duy trì được độ phân hóa thông thường và không có nhóm dẫn dắt. VN30-Index kết phiên sáng tăng không đáng kể 0,97 điểm tương đương 0,06%.

Chỉ số này cũng chỉ biến động rất hẹp sáng nay, với mức tăng cao nhất 0,46% và giảm sâu nhất 0,33%. Mặc dù VN-Index đã vượt qua đỉnh tháng 8 nhưng VN30-Index vẫn chỉ đang cố gắng đột phá mức tương ứng. Điều này thể hiện yếu tố vốn hóa vẫn đang dẫn VN-Index lên là chính. Sáng nay khi các trụ cũng suy yếu, VN-Index chỉ tăng 2,69 điểm tương đương 0,19%.

Cổ phiếu nhóm xây dựng, bất động sản hôm qua tăng mạnh, sáng nay cũng phân hóa trở lại.
Cổ phiếu nhóm xây dựng, bất động sản hôm qua tăng mạnh, sáng nay cũng phân hóa trở lại.

Giao dịch chững lại trên toàn thị trường, không còn khí thế hừng hực như ngày hôm qua. Độ rộng của HoSE chỉ là 182 mã tăng/209 mã giảm. Trong đó, chỉ khoảng 80 mã đang tăng trên 1%. Midcap tăng yếu 0,45% và Smallcap tăng 0,47%.

Thanh khoản trong nhóm VN30 cũng sụt giảm gần 6% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 4.626,6 tỷ đồng. Trong khi đó thanh khoản chung của HoSE lại tăng 10%, đạt 12.466,8 tỷ đồng. Thanh khoản tăng nhờ các cổ phiếu Midcap giao dịch khá mạnh, tiêu biểu là DIG với 310,1 tỷ đồng, giá tăng 3,42%; PVD khớp 263,6 tỷ, giá tăng 4,19%, KBC khớp 243,9 tỷ, giá tăng 0,88%. Các mã này lọt vào Top 10 giá trị khớp lệnh hai sàn.

Với độ rộng thu hẹp và dòng tiền suy yếu tại blue-chips, thị trường quay trở lại trạng thái sôi động đơn lẻ ở cổ phiếu. Điều này cũng có thể có lợi, vì nếu blue-chips tăng nhanh, VN-Index có thể sớm quay lại đỉnh lịch sử, vốn là một mốc nhạy cảm. Nhà đầu tư có thể lo ngại về khả năng vượt đỉnh hay không. Trong khi đó chỉ số càng lên chậm thì càng tạo dự địa thời gian cho các cổ phiếu trung bình và nhỏ tăng giá dài hơn.

Thực tế các nhóm cổ phiếu không tăng đều theo nhóm ngành như trước, dù là ngân hàng, dầu khí hay vật liệu xây dựng, bất động sản công nghiệp... Ví dụ giá dầu lên đỉnh 2018 nhưng không phải tất cả các mã dầu khí đều tăng. Cổ phiếu các nhóm khác cũng vậy. Trào lưu đầu cơ theo nhóm ngành đã không còn đồng loạt, thay vào đó là sự chọn lọc nhiều hơn.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay tiếp tục mua ròng tốt ở FMC (270 tỷ), VRE (55 tỷ), MBB (46 tỷ), VHM (31 tỷ) và bán ròng HPG (61 tỷ), GMD (33 tỷ), NLG (28 tỷ), SHB (24,4 tỷ), GVR (23 tỷ), VNM (23 tỷ). Tính chung sàn HoSE được mua ròng 188,7 tỷ đồng, HNX bán ròng 14 tỷ, tập trung vào SHS (11,6 tỷ đồng).