Giao dịch tiếp tục ngưng trệ, vốn ngoại đảo chiều mua ròng
Thanh khoản khớp lệnh hai sàn sáng nay giảm trở lại hơn 14% so với sáng hôm qua, chỉ còn 4.294 tỷ đồng. Tuy nhiên giao dịch chuyển sang trạng thái giằng co chứ không trượt dốc. Khối ngoại là điểm sáng khi tiếp tục mua ròng sang ngày thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh FED sắp giảm lãi suất và tỷ giá đang giảm nhanh...
Thanh khoản khớp lệnh hai sàn sáng nay giảm trở lại hơn 14% so với sáng hôm qua, chỉ còn 4.294 tỷ đồng. Tuy nhiên giao dịch chuyển sang trạng thái giằng co chứ không trượt dốc. Khối ngoại là điểm sáng khi tiếp tục mua ròng sang ngày thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh FED sắp giảm lãi suất và tỷ giá đang giảm nhanh.
VN-Index phần lớn thời gian nằm trên tham chiếu nhưng vẫn có hai nhịp điều chỉnh chớm đỏ. Chỉ số giảm lần thứ nhất khoảng 9h40, độ rộng ghi nhận 117 mã tăng/171 mã giảm. Đáy đỏ thứ hai lúc 10h58, độ rộng là 137 mã tăng/213 mã giảm. Chốt phiên sáng VN-Index tăng nhẹ 1,08 điểm (0,09%) với 146 mã tăng/197 mã giảm.
Có thể thấy cổ phiếu đã hồi giá khá nhiều và thị trường chuyển sang trạng thái giằng co biên độ rất hẹp và thanh khoản cực thấp. Đây là tình thế cân bằng cung cầu tạm thời khi cả bên mua lẫn bên bán đều giảm mạnh cường độ và đứng ngoài quan sát là chính. Điều này cũng hợp lý vì 2 phiên tới thị trường hội tụ nhiều sự kiện quan trọng, bao gồm quyết định cắt giảm lãi suất của FED, đáo hạn phái sinh và tái cơ cấu quỹ.
Tình thế cân bằng cũng thể hiện thị trường không có động lực ở giai đoạn hiện tại. Mặt tích cực là không có nhu cầu bán đủ nhiều, nhất là sau phiên lao dốc khá nặng hôm qua. Mặt tiêu cực là cũng chưa có điều gì đủ hấp dẫn để thúc đẩy dòng tiền vào, hoặc nhà đầu tư vẫn đang lo ngại nhịp điều chỉnh hiện tại có thể còn kéo dài thêm.
Nhóm blue-chips VN30 sáng nay giữ giá khá tốt và có trụ nổi lên. VHM tăng 2,16% và với quy mô vốn hóa lớn thứ 4 thị trường, cổ phiếu này đem lại xấp xỉ 1 điểm cho VN-Index, nghĩa là gần như toàn bộ mức tăng ở chỉ số này. Ngoài ra trong Top 10 vốn hóa còn có FPT tăng 0,84%, VIC tăng 0,59%, HPG tăng 0,2% và VNM tăng 0,14%. Dù mức là quá nhỏ, nhưng phía giảm cũng không nhiều trụ gây áp lực. BID giảm 0,31%, CTG giảm 0,87% và GAS giảm 0,28% là đáng kể nhất trong nhóm vốn hóa hàng đầu. VN30-Index chốt phiên sáng tăng nhẹ 0,23% với 13 mã tăng/8 mã giảm.
Khi nhóm blue-chips duy trì được trạng thái cân bằng thì thị trường về cơ bản cũng bình tĩnh hơn. Midcap tăng nhẹ 0,08%, Smallcap giảm 0,26% và dù độ rộng thể hiện số lượng cổ phiếu đỏ nhiều hơn, nhưng ít mã giảm sâu. Cụ thể, trong 197 mã đỏ chỉ có 56 mã giảm quá 1% và nhóm này hầu như không có thanh khoản. 6 mã giao dịch được quá 10 tỷ đồng là NVL giảm 3,13% khớp 188,7 tỷ; TCH giảm 1,15% khớp 30,3 tỷ; PLX giảm 1,22% khớp 28,5 tỷ; NTL giảm 1,45% với 17,8 tỷ; VGC giảm 1,19% với 17,2 tỷ; TCD giảm 5% với 11 tỷ. Tổng 56 cổ phiếu giảm nhiều nhất này chỉ chiếm 9,5% giao dịch sàn HoSE.
Dĩ nhiên bên tăng giá cũng vậy, đại đa số cổ phiếu chỉ lình xình dưới 1%. Trong 146 mã xanh có 35 mã tăng vượt biên độ này thì cũng chỉ lác đác vài mã có thanh khoản khá như IMP, SBT, VHM, DPG, FTS, PDR, VRE, BAF, DXG.
Điểm sáng của phiên là nhà đầu tư nước ngoài đang giảm rất đáng kể áp lực bán ra. Tổng giá trị bán trên HoSE hiện mới đạt 314 tỷ đồng, thấp kỷ lục từ đầu năm. Bên mua khoảng 445,7 tỷ tương ứng mức ròng 131,7 tỷ đồng. Sáng hôm qua khối ngoại vẫn bán ròng nhẹ 17,6 tỷ nhưng đến chiều thì mua mạnh và cả phiên mua ròng hơn 232 tỷ đồng. Dù vậy giao dịch mua ròng sáng nay vẫn chỉ dồn vào số ít cổ phiếu, bao gồm FPT +88,6 tỷ và VHM +50,4 tỷ. Phía bán cũng duy nhất MWG -73,6 tỷ đồng là đáng kể.
Trạng thái cân bằng của thị trường chủ yếu dựa trên tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư. Ít nhất đến các phiên cuối tuần tâm lý này mới được giải tỏa và thanh khoản có thể phục hồi rõ nét hơn.