09:59 25/09/2024

Giao thông tiên phong mở lối phát triển kinh tế xã hội Điện Biên

Huỳnh Dũng

Với vị trí chiến lược khi tiếp giáp hai quốc gia là Lào và Trung Quốc, lãnh đạo tỉnh Điện Biên xác định phương châm “đường mở đến đâu, dân giầu tới đó”, “đường rộng đón cơ hội lớn” do vậy nhiều dự án giao thông trọng điểm đã, đang và sẽ được triển khai…

Ảnh mô tả
Ảnh mô tả

Theo ông Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, phát triển hạ tầng giao thông là điều kiện tiên quyết để phát triển tỉnh, trong đó phương châm được tỉnh lựa chọn là “đường mở đến đâu, dân giầu tới đó”, “đường rộng đón cơ hội lớn”. Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU, hạ tầng giao thông tỉnh đạt được nhiều kết quả thiết thực.

ĐƯỜNG MỞ ĐẾN ĐÂU, DÂN GIÀU TỚI ĐÓ

Xác định giải pháp trọng điểm để thúc đẩy phát triển tỉnh là từng bước hoàn thiện và xây dựng mạng lưới giao thông, đặc biệt là mạng lưới giao thông đường bộ, tại Điện Biên, nhiều dự án giao thông đang và sắp được triển khai. Điều này đã khẳng định quyết tâm thực hiện thành công một trong các khâu đột phá chiến lược theo tinh thần Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh Điện Biên và quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên  hơn 9.500 km2, tiếp giáp cả hai quốc gia Lào và Trung Quốc. Số liệu thống kê cho biết, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh hiện gồm gần 1.200 tuyến với tổng chiều dài hơn 9.200 km.

Nhiều dự án phát triển giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành, tiêu biểu như Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279B đoạn Nà Tấu - Mường Phăng; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12 đoạn Mường Lay - Mường Chà; đường Si Pa Phìn - Mường Nhé… cùng nhiều dự án khác đang và sắp được triển khai đã thể hiện quyết tâm của Điện Biên

Hiện nay, tỉnh có 129/129 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; số xã có đường ô tô đi lại quanh năm đạt 125/129 xã; số xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông theo Bộ Tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đến thời điểm hiện tại là 77/115 xã. Mật độ đường quốc lộ/trên diện tích tự nhiên/trên dân số và chỉ số về mật độ đường tỉnh/trên diện tích tự nhiên/trên dân số của tỉnh Điện Biên đạt mức trung bình so với các tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc.

 

Số liệu thống kê cho biết, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh hiện gồm gần 1.200 tuyến với tổng chiều dài hơn 9.200 km.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong những năm qua được quan tâm đầu tư xây dựng. Trong đó nhiều tuyến đường quan trọng được đầu tư đưa vào khai thác góp phần cải thiện, nâng cao năng lực hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Về mạng lưới đường tỉnh, cơ bản đã hình thành kết nối với mạng lưới đường quốc lộ, trung tâm hành chính các địa phương trên địa bàn.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh Điện Biên còn nhiều hạn chế. Việc kết nối, lưu thông hàng hoá cũng như hoạt động đi lại của người dân trong nội vùng cũng như với các vùng kinh tế trọng điểm và các quốc gia khác trong khu vực còn yếu.

Lý giải nguyên nhân trên, các chuyên gia cho rằng việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, đặc biệt với điều kiện tự nhiên không thuận lợi như tỉnh Điện Biên. Ngoài ra, việc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn do ngành công nghiệp của tỉnh chưa phát triển để tạo ra động lực phát triển giao thông vận tải, việc huy động nguồn lực từ nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cũng gặp nhiều khó khăn thách thức do tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh còn chiếm tỷ lệ cao.

QUY HOẠCH GIAO THÔNG LÀ TIỀN ĐỀ CHO ĐIỆN BIÊN PHÁT TRIỂN

Theo Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tỉnh Điện Biên nằm trong hành lang phát triển kinh tế Điện Biên – Sơn La – Hoà Bình – Hà Nội gắn với tiểu vùng Tây Bắc. Do vậy, việc thực hiện quy hoạch cần phát huy các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng sạch. Đồng thời, kết nối với các quốc gia lân cận như Lào, Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN.

Hành lang kinh tế trọng điểm liên kết các đô thị, các trung tâm du lịch của tiểu vùng Tây Bắc với đồng bằng sông Hồng và tiểu vùng Bắc Trung Bộ với trục xương sống là tuyến đường cao tốc CT.03, đi qua các tỉnh/thành Hà Nội, Hoà Bình, Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên đến cửa khẩu quốc tế Tây Trang và tuyến đường Xuyên Á, AH.13, bao gồm một phần của các tuyến Quốc lộ 6 và Quốc lộ 279.

Đồng thời, với tuyến Quốc lộ 4H, tỉnh Điện Biên cũng nằm trong Vành đai biên giới dọc các tuyến đường thuộc hệ thống quốc lộ 4 song song với biên giới Việt – Trung, Việt - Lào với nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy xuất nhập khẩu của cả nước với thị trường Trung Quốc và Lào.

 

Hạ tầng giao thông cần đặc biệt chú trọng, quan tâm đầu tư xây dựng, đảm bảo thông suốt, an toàn và trở thành động lực để tỉnh Điện Biên phát triển.

Theo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định mục tiêu tổng quát là đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực. Trong đó nhấn mạnh hạ tầng giao thông cần đặc biệt chú trọng, quan tâm đầu tư xây dựng, đảm bảo thông suốt, an toàn và trở thành động lực để tỉnh Điện Biên phát triển.

Do vậy, xác định rõ tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch là tiền để để Điện Biên tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tăng cường tính liên kết vùng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hiện, tỉnh Điện Biên ưu tiên, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền ưu tiên đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, bao gồm Dự án Đầu tư đường Cao tốc Điện Biên – Điên Biên – Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1.

Dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến Quốc lộ 279, Quốc lộ 4H kết nối với Bắc Lào và Trung Quốc; Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến quy hoạch Quốc lộ 12D; Dự án Quốc lộ 279 đoạn Tuần Giáo - Than Uyên, Lai Châu;

Dự án đường và cầu: Ngã ba Huổi lóng - Thị trấn Tủa Chùa - Xá Nhè - Huổi Só - Pê Răng Ky - Sông Đà - Nậm Lốt, Nậm Hăn - Nậm Cuổi - Trung tâm xã Căn Co - Noong Hẻo - Séo Lèng - Thị trấn Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu...