15:57 12/10/2021

Giật trụ phiên ATC, đà tăng vẫn tiếp tục

Kim Phong

Áp lực bán chiều nay không mạnh nhưng dường như bên mua đã chờ đợi giá thấp hơn. Phần lớn thời gian phiên chiều VN-Index và VN30-Index chìm trong sắc đỏ. Duy nhất đợt ATC, một số trụ được kéo giật giá phục hồi, đủ để đẩy VN-Index vượt tham chiếu...

Cổ phiếu tài chính thoái lui nhẹ sau phiên tăng bùng nổ hôm qua.
Cổ phiếu tài chính thoái lui nhẹ sau phiên tăng bùng nổ hôm qua.

Áp lực bán chiều nay không mạnh nhưng dường như bên mua đã chờ đợi giá thấp hơn. Phần lớn thời gian phiên chiều VN-Index và VN30-Index chìm trong sắc đỏ. Duy nhất đợt ATC, một số trụ được kéo giật giá phục hồi, đủ để đẩy VN-Index vượt tham chiếu.

Ranh giới tăng giảm cuối phiên khá mong manh. Đến hết đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index mới chỉ giảm 1,05 điểm. Từng đó là quá dễ dàng đối với một số mã vốn hóa lớn. VIC, VHM, TCB, VPB nhích giá nhẹ đợt ATC đã giúp chỉ số này có thêm gần 1,8 điểm, nghĩa là chốt trên tham chiếu 0,71 điểm.

Sau phiên tăng mạnh hôm qua, thị trường hạ nhiệt một chút, chủ yếu ở các cổ phiếu blue-chips. Diễn biến này cũng thường thấy khi nhà đầu tư mua nhiều phiên trước đã tạm dừng lại nghe ngóng. Hầu hết các trụ phiên này đều kém.

VIC tuy không tăng mạnh nhất rổ VN30 nhưng là trụ nổi bật, một phần nhờ vốn hóa lớn. VIC giữ giá rất tốt trong cả phiên chiều, trong khi nhiều cổ phiếu tụt sâu hơn, tạo nên nhịp trượt dài ở cả VN-Index lẫn VN30-Index. Đến cuối phiên, VIC được kéo tăng thêm 300 đồng so với cuối đợt khớp lệnh liên tục, tạo nên một chú nhảy giá nho nhỏ. VIC chốt tăng 1,09% với tham chiếu.

Một số cổ phiếu lớn khác có nhảy giá cuối ngày, tuy không nhiều, nhưng đủ để cộng hưởng và tạo ra vài điểm: VHM cũng phục hồi 3 bước giá, thu hẹp mức giảm còn 0,12% so với tham chiếu; TCB phục hồi 2 bước giá, về lại tham chiếu; VNM lên thêm 1 bước giá, tăng 0,44%; VPB phục hồi 6 bước giá, chỉ còn giảm 0,27%; SAB từ giảm 0,61% giật ngược lên tham chiếu. MSN, VRE, STB, HDB... cũng có nhảy vài giá.

Diễn biến hồi đợt ATC không đủ kéo VN30-Index trở lại tham chiếu, chỉ số này vẫn mất 0,05%. Tuy nhiên mức giảm không bao nhiêu. Độ rộng của VN30 cuối ngày còn 8 mã tăng/17 mã giảm, cũng không quá tệ so với thời điểm tạo đáy chỉ cò 3 mã tăng và 2 mã tham chiếu, còn lại toàn giảm.

Độ rộng chung của HoSE cũng thu hẹp nhiều hơn phiên sáng, chỉ còn 175 mã tăng/228 mã giảm. Lực bán chiều nay không mạnh, mức giảm sâu nhất của VN-Index và VN30-Index chỉ tương đương đáy buổi sáng. Thanh khoản phiên chiều cũng giảm mạnh, chỉ bằng 62,6% so với giao dịch phiên sáng. Đặc biệt rổ VN30 giao dịch chỉ là 2.942,6 tỷ đồng.

Lực bán nhỏ, thanh khoản thấp nhưng cổ phiếu giảm giá nhiều hơn là do lực cầu yếu. Nhà đầu tư có thể đã lùi giá mua để chờ đợi một nhịp điều chỉnh sau phiên tăng mạnh hôm qua. Tuy nhiên người chốt lời cũng không gây sức ép nhiều, nên không thể đẩy cổ phiếu giảm sâu hơn và kéo các chỉ số xuống thấp hơn đáy buổi sáng.

VN-Index khá yếu chiều nay, nhưng cũng không thấp hơn đáy phiên sáng.
VN-Index khá yếu chiều nay, nhưng cũng không thấp hơn đáy phiên sáng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ lại trở nên sôi động hơn trong bối cảnh blue-chips hạ nhiệt. Thanh khoản của rổ VN30 cả ngày giảm 19% so với hôm qua thì Midcap tăng 16%, Smallcap tăng 18%, đồng thời Midcap-Index chốt phiên tăng 0,49%, Smallcap-Index tăng 0,57%.

Cả hai nhóm này đều xuất hiện nhiều cổ phiếu thanh khoản khá lớn: Midcap có HSG, FLC, DIG, DGC lọt Top 10 giá trị khớp lệnh hai sàn và giá đều tăng mạnh. Smallcap có IJC, NKG cũng khớp trên 300 tỷ đồng, thuộc top 15. Cả hai rổ này tiếp tục phân hóa mạnh giống phiên sáng, thay vì tăng đồng loạt.

Do VN30 không có lực mua đẩy giá mạnh nên khả năng tăng phụ thuộc vào lực bán nhiều hơn. MWG tăng 2,01%, POW tăng 2,42%, VRE tăng 1,15% là các mã xuất sắc nhất. Ngân hàng chủ đạo là giảm, trừ BID tăng 0,63%, STB tăng 0,38%, TCB, ACB tham chiếu.

Tổng thể thị trường có độ phân hóa hơi đuối nhưng mức giảm không rõ ràng. Sàn HoSE chỉ có khoảng 90 mã giảm trên 1%, trong đó hơn 30 mã giảm trên 2% đều là các cổ phiếu vừa và nhỏ.

Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều tăng bán ra khiến vị thế giao dịch đang từ mua ròng hơn 188 tỷ đồng buổi sáng thành bán ròng hơn 41 tỷ đồng cả phiên ở sàn HoSE. FCM vẫn được mua ròng tốt nhất với 270 tỷ. VRE, MBB, DHC, PLX, HAH, GAS, STB cũng được mua ròng nhiều. Phía bán HPG bị xả ròng gần 120 tỷ đồng là lớn nhất.