Giới chuyên gia đua nhau hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Trước Goldman Sachs, một loạt ngân hàng khác cũng mạnh tay cắt giảm triển vọng kinh tế Trung Quốc năm nay...
Các nhà phân tích của Goldman Sachs ngày 18/5 hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc năm 2022 còn 4%. Động thái này được đưa ra sau khi dữ liệu tháng 4 cho thấy sự sụt giảm tăng trưởng, trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát Covid-19 làm tê liệt hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều khu vực ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Trước đó, một loạt ngân hàng khác cũng mạnh tay cắt giảm triển vọng kinh tế Trung Quốc năm nay.
Con số dự báo mới nhất mà Goldman Sachs đưa ra thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5,5%” mà Chính phủ Trung Quốc công bố hồi tháng 3.
“Xét đến mức độ thiệt hại mà đợt bùng dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế trong quý 2, chúng tôi giờ đây dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay đạt khoảng 4%, so với mức dự báo 4,5% đưa ra trong lần trước”, nhóm chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs do Hui Shan đứng đầu viết trong báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn. Dự báo này dựa trên giả thuyết Chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai nhiều biện pháp kích cầu, bên cạnh các biện pháp bình ổn thị trường bất động sản và kiểm soát Covid-19.
Từ tháng 3 đến nay, Trung Quốc đại lục trải qua đợt bùng dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong 2 năm. Thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính lớn nhất Trung Quốc, đến tuần này mới bắt đầu bàn đến việc nối lại các hoạt động bình thường, với mục tiêu là đến giữa tháng 6 mở cửa hoàn toàn trở lại.
Trong số những dữ liệu kinh tế tháng 4 ảm đạm của Trung Quốc, Goldman Sachs nhấn mạnh sự sụt giảm của số nhà mới khởi công và doanh số bán nhà; mức tăng trưởng tín dụng chỉ bằng một nửa so với kỳ vọng của thị trường; và lạm phát lõi - chỉ số không bao gồm giá lương thực-thực phẩm và năng lượng - sụt về dưới 1%.
Các dữ liệu kinh tế tháng 4 khác của Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp bất ngờ sụt giảm và doanh thu bán lẻ trong tháng giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái - một mức giảm sâu hơn dự báo. Xuất khẩu, một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, chỉ tăng 3,9% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, yếu nhất kể từ mức tăng 0,18% ghi nhận vào tháng 6/2020.
“Loạt dữ liệu xấu đã cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc và chính sách zero Covid-19. Điều này phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế”, báo cáo viết.
Theo Goldman Sachs, việc các nhà Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh “chính sách zero Covid năng động” và việc nước này không đăng cai giải bóng đá Asian Cup vào mùa hè năm sau phản ánh tư duy thận trọng của Bắc Kinh.
“Giờ đây, chúng tôi dự báo việc mở cửa trở lại sẽ không bắt đầu trước quý 2/2022 và quy trình mở cửa đó sẽ chỉ diễn ra từ tốn và được kiểm soát chặt chẽ hơn so với dự báo trước đây”, báo cáo nhận định. “Đó là lý do vì sao dự báo của chúng tôi về tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2023 chỉ tăng thêm hơn 1/4 điểm phần trăm lên mức 5,3% (từ mức 5% đưa ra trong lần dự báo trước), cho dù mức dự báo tăng trưởng của năm 2022 giảm đi nửa điểm phần trăm”.
Vào hôm thứ Hai tuần này, ngân hàng Citigroup - một trong những tổ chức dự báo đưa ra triển vọng cao nhất về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc - đã mạnh tay giảm dự báo tăng trưởng của nước này về 4,2% từ 5,1%.
Vài ngày trước đó, ngân hàng JPMorgan Chase giảm dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2022 về 4,3% từ 4,6%. Cuối tháng 4, ngân hàng Morgan Stanley hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay về 4,2% từ 4,6%.