Giới đầu tư siêu giàu tháo lui khỏi Alibaba sau vụ điều tra chống độc quyền
Từng được ca ngợi là biểu tượng của sức mạnh công nghệ Trung Quốc, Alibaba cùng các đối thủ như Tencent đang đối mặt áp lực ngày càng lớn từ cơ quan quản lý
Theo ngân hàng cá nhân Citi Private Bank của Citigroup Inc., các nhà đầu tư siêu giàu đang đua nhau rút vốn khỏi cổ phiếu Alibaba Group Holding sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc khởi động cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào hãng thương mại điện tử khổng lồ này.
"Một số lượng lớn các khách hàng siêu giàu của ngân hàng đã giảm hoặc rút vốn khỏi hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc sau khi thông tin về cuộc điều tra được công bố", Bloomberg dẫn báo cáo ngày 19/1 của Citi Private Bank cho biết. "Trong nửa sau của năm 2020, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã thu hút được dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư giàu có nhất của Alibaba".
Từng được ca ngợi là động lực phát triển kinh tế và là biểu tượng của sức mạnh công nghệ Trung Quốc, Alibaba cùng các đối thủ như Tencent đang đối mặt áp lực ngày càng lớn từ các nhà chức trách sau khi thu hút hàng triệu người dùng và có sức ảnh hưởng lớn trong gần như mọi mặt đời sống hàng ngày tại đất nước tỷ dân.
Tháng 11/2020, thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 35 tỷ USD của Ant Group - công ty tài chính liên kết của Alibaba - đã bất ngờ bị cơ quan quản lý đình chỉnh. Động thái này khiến chứng ký lưu ký tại Mỹ của Alibaba mất hơn 20% giá trị.
Tuần trước, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết Ant Group đang triển khai kế hoạch cải tổ kinh doanh, đồng thời vẫn đảm bảo duy trì hoạt động. Điều này cho thấy quyết tâm vượt qua khó khăn tại đế chế tài chính của tỷ phú Jack Ma. Ant Group hiện chiếm hơn 25% trong khối tài sản 52,9 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Kể từ cuối tháng 10, khi chính phủ Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm soát đối với các tập đoàn công nghệ, tài sản của Jack Ma - người đồng sáng lập Alibaba, Ant Group - đã "bốc hơi" gần 11 tỷ USD.
Việc chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý các hãng công nghệ khiến nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc lại về việc nắm giữ cổ phần tại những công ty này dù Trung Quốc chứng kiến làn sóng tiêu dùng trực tuyến bùng nổ sau nhiều đợt phong tỏa phòng đại dịch Covid-19 đầu năm nay.
"Có nhiều tín hiệu tương tự cho thấy các hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc đang nằm trong 'tầm ngắm' của nhà chức trách", Bruce Pang, giám đốc nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance Securities Hồng Kông, cho biết. "Hướng dẫn dự thảo về chống độc quyền và rà soát chống độc quyền là hai trong số đó".