20:00 25/11/2022

Giới kinh tế học ASEAN bàn cách vực dậy tăng trưởng giữa lúc thế giới đầy bất ổn

An Huy

Sự kiện thường niên lần thứ 45 của Liên đoàn Các hội kinh tế ASEAN (FAEA) do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (VEA) đăng cai...

Sự kiện thường niên lần thứ 45 của Liên đoàn Các hội kinh tế ASEAN (FAEA), diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội trong 2 ngày 25-26/11.
Sự kiện thường niên lần thứ 45 của Liên đoàn Các hội kinh tế ASEAN (FAEA), diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội trong 2 ngày 25-26/11.

Hàng trăm chuyên gia kinh tế đến từ các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tham dự hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng hậu đại dịch Covid-19 và ứng phó với những thách thức mới của nền kinh tế toàn cầu.

Đây là sự kiện thường niên lần thứ 45 của Liên đoàn Các hội kinh tế ASEAN (FAEA), diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội trong 2 ngày 25-26/11. Đơn vị chủ trì sự kiện là Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (VEA), một thành viên FAEA.

Với chủ đề lớn là “Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19 và chiến lược ứng phó trong bối cảnh nền kinh tế có những biến động lớn”, hội nghị có 3 phiên họp toàn thể và 7 phiên họp song song, với gần 40 tham luận thuộc 14 nhóm chủ đề của các chuyên gia đến từ Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế trong khu vực ASEAN đối mặt nhiều thách thức về hồi phục hậu Covid, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Trong lúc chưa phục hồi vững từ cú sốc do Covid gây ra, các nền kinh tế Đông Nam Á tiếp tục phải ứng phó với sự leo thang của lạm phát, biến động tỷ giá và lãi suất toàn cầu, cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới.

“Đại dịch Covid-19 vốn đã làm đình trệ hoạt động kinh tế trên quy mô toàn cầu, vừa mới có dấu hiệu kết thúc thì những xung đột chính trị căng thẳng ở một số khu vực lại đang làm cho thế giới có nguy cơ lâm vào những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về an ninh chính trị, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát và suy thoái kinh tế. Các nước ASEAN và cộng đồng ASEAN cần có những chiến lược và chính sách mới thích hợp”, tuyên bố của VEA có đoạn viết.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Chủ đề Hội nghị FAEA-45 tại Hà Nội lần này tiếp tục là một vấn đề vừa mang tính thời sự, cấp thiết, vừa có tầm nhìn tổng thể và dài hạn về kinh tế khu vực”.

Ông Thắng cho rằng hội nghị là dịp để đông đảo các nhà kinh tế của các nước ASEAN trực tiếp gặp gỡ, cùng nhau thảo luận, đánh giá tiến trình phục hồi và triển vọng của các nền kinh tế trong khu vực sau đại dịch, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, những tình huống đảo chiều, đột biến và rủi ro khó lường.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương đưa ra hồi cuối tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nhiều nền kinh tế chủ chốt ở Đông Nam Á giảm tốc trong năm 2023.

Theo báo cáo này, kinh tế Singapore sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm tới so với mức tăng 3% dự kiến đạt được trong năm nay; kinh tế Indonesia được dự báo giảm tốc còn 5% từ 5,3%, Malaysia giảm tốc còn 4,4% từ 5,4%; Philippines còn 5% từ 6,5%; và Việt Nam còn 6,2% từ 7%. Thái Lan là một trường hợp khởi sắc hiếm hoi của khu vực, với tăng trưởng được IMF dự báo đạt 3,7% trong năm tới, từ 2,8% của năm nay.

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các phiên họp toàn thể tập trung vào 3 nhóm nội dung chính gồm: Khôi phục và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19; Tình hình an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp; và Diễn đàn kết nối ASEAN.

Các phiên họp song song có các chủ đề gồm: Mục tiêu phát triển bền vững, phát triển con người dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; An ninh và chuyển đổi cơ cấu năng lượng, giao thông vận tải, hậu cần và du lịch; Tài chính, tiền tệ, lạm phát và thị trường chứng khoán; Tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; Hợp tác kinh tế và Hội nhập quốc tế của ASEAN trong bối cảnh toàn cầu mới.

Tiến sỹ Harold Teng đến từ Đại học Quốc gia Singapore mang đến hội nghị lần này tham luận về kinh nghiệm phục hồi kinh tế sau Covid-19 của đảo quốc sư tử. “Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Singapore. Nhưng Singapore rất may mắn là đã triển khai được phần lớn các biện pháp cần thiết ‘chính xác’ để giảm thiểu và ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch”, ông Teng phát biểu.

Nhóm chuyên gia Anggraeni, Adbul Mongid và Saladin Ghalib từ Indonesia trình bày tham luận về sự lây lan của bất ổn tài chính giữa các nước trong khu vực ASEAN. “Báo cáo của chúng tôi nhằm xác định liệu một cuộc khủng hoảng hoặc tình trạng căng thẳng tài chính xảy ra ở một nước ASEAN có phải là hệ quả của sự lây lan trong ASEAN hay là hệ quả từ những cuộc khủng hoảng bên ngoài ASEAN như khu vực đồng Euro, Anh và Mỹ”, nhóm chuyên gia cho biết.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị sáng ngày 25/11/2022. 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị sáng ngày 25/11/2022. 

Sự vững mạnh của nền tảng kinh tế vĩ mô Việt Nam trước các cú sốc đến từ bên ngoài là chủ đề của tham luận mà phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Ban Kinh tế Trung ương, và tiến sỹ Lý Đại Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam mang đến hội nghị. Kết quả nghiên cứu cho thấy “nền kinh tế Việt Nam có thể hấp thụ các cú sốc bên ngoài bằng sự phục hồi khá nhanh chóng và tăng trưởng ổn định theo thời gian. Tuy nhiên, các cú sốc bên ngoài thường gây ra những thay đổi trong quỹ đạo tăng trưởng và đi kèm với bất ổn vĩ mô tiềm tàng. Bởi vậy, kiến trúc chính sách công cần cải thiện sự vững mạnh vĩ mô để biến các cú sốc bên ngoài thành ổn định vĩ mô trong những năm tới”, hai vị chuyên gia nhận định.

Nói về vai trò của giới kinh tế học, ông Nguyễn Xuân Thắng kêu gọi các chuyên gia “phát huy trách nhiệm và trí tuệ”. “Nghiên cứu, đề xuất các kiến nghị chính sách góp phần phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh chóng, rất khó đoán định là nhiệm vụ đầy thách thức đối với các nhà kinh tế hiện nay. Tôi cho rằng, chúng ta cần hết sức chú trọng công tác phân tích, dự báo, cả những vấn đề động thái và cả những vấn đề mang tầm chiến lược trong trung và dài hạn”, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói.

Nhận định về hội nghị, Giáo sư Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch VEA, nói: “Chủ đề này có tính thời sự nóng hổi, hứa hẹn sẽ đưa ra được các luận giải hay và kiến nghị tốt cho cả với nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu các nước trong vùng”.

Cũng theo ông Thái, việc các hội kinh tế thuộc FAEA đồng thuận chọn Việt Nam là nước chủ trì hội nghị FAEA-45 là vinh dự lớn của VEA, đồng thời là là cơ hội để giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước và con người Việt Nam.