Y học cổ truyền cho rằng, con người và tự nhiên là một chỉnh thể thống nhất, thế giới tự nhiên là nguồn gốc sự sống con người. Trong quá trình sinh trưởng, trưởng thành và già yếu của con người đều có quy luật đồng hồ sinh học. Khi đồng hồ sinh học duy trì chu kỳ bình thường, chúng ta cảm thấy tinh thần sung sức và đầu óc tỉnh táo. Nếu sinh hoạt không có quy luật, chu kỳ của đồng hồ sinh học bị rối loạn sẽ làm hệ thống miễn dịch cơ thể suy yếu, từ đó có nguy cơ mắc bệnh. Làm trái với đồng hồ sinh học của cơ thể sẽ khiến bạn gặp không ít rắc rối
Nguy cơ mắc bệnh Trong thực tế, có nhiều nguyên nhân cản trở chúng ta sống không đúng với nhịp sinh học như giờ làm việc, các trách nhiệm xã hội, thói quen sử dụng thiết bị công nghệ vào đêm muộn hay lối sống thiếu điều độ... Cưỡng lại nhịp sinh học, sức khỏe của chúng ta sẽ bị đe dọa với nguy cơ mắc các bệnh về não, tuyến tụy và stress đã được chứng minh. Các nghiên cứu về trao đổi chất cũng đã phát hiện một số hậu quả khác liên quan đến chất lượng của giấc ngủ, hoạt động của gan, ruột và các hệ thống chuyển hóa. Mối quan hệ giữa sức khỏe tâm thần với đồng hồ sinh học có lẽ là rõ rệt nhất. Sự biến đổi về nhịp sinh học thường là triệu chứng đầu tiên ở nhiều bệnh về tâm thần, chẳng hạn như chứng trầm cảm có liên quan chặt chẽ với chứng rối loạn giấc ngủ mãn tính.
Những thói quen không tốt phá vỡ nhịp sinh học
Chế độ làm việc nhất thiết phải kết hợp với nghỉ ngơi, không được nghỉ ngơi quá nhiều, cũng không được làm việc quá sức, dù lao động trí óc hay lao động chân tay. Các chuyên gia sức khỏe cảnh báo, dù làm việc hay chơi suốt đêm đều làm rối loạn đồng hồ sinh học, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể. Chẳng hạn, nếu bạn thích khiêu vũ phải chú ý đến thời gian và cường độ khiêu vũ ở mức vừa phải vì không gian, môi trường trong vũ trường bị hạn chế. Tiếng ồn quá lớn ảnh hưởng đến thính giác; thiếu oxy ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tuần hoàn; ánh sáng đèn màu có hại đến thị giác và thần kinh. Nếu ở lâu trong môi trường như vậy sẽ làm cho bạn chóng mặt, tức ngực, thở gấp và hậu quả là ngay sau đó thân thể bạn mệt rã rời.
Hãy lắng nghe cơ thể Các thầy thuốc nhãn khoa cho rằng, ánh sáng trong vũ trường gây mệt mỏi thị giác. Nó không những làm tổn thương thị lực mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm thần kinh, khiến con người cảm thấy đau đầu, chóng mặt, lo lắng, mất ngủ, kém ăn, hoa mắt, sắc mặt trắng bệch.
Môi trường trong lành giúp bạn lấy lại cân bằng trong cuộc sống
Bên cạnh đó, mặc quần áo không phù hợp cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Thắt lưng quá chặt làm cho dung tích bụng nhỏ đi, tạng khí bị nén lại, hô hấp bụng bị ảnh hưởng, cơ hoành ( hoành cách) nhô cao, hoạt động của phổi giảm, từ đó dẫn đến triệu chứng mệt mỏi như thở gấp, tim đập nhanh. Thắt lưng quá chặt cũng làm cho đường tiêu hóa bị đè nén, lưu thông máu giảm, sự tiết dịch tiêu hóa giảm, sự co bóp dạ dày yếu, thức ăn đi qua khó khăn, ảnh hưởng đến tiêu hóa và hô hấp. Lâu ngày dễ gây thiếu máu và táo bón. Điều đặc biệt nguy hại là, thắt lưng quá chặt còn làm cho gan bị nén, biến dạng, ảnh hưởng đến sự bài tiết và giải độc của gan. Ngoài ra, khi mặc các loại quần áo bó sát như quần bò, quần co giãn bó chân và mông sẽ không phù hợp với yêu cầu sinh lý cơ thể. Đặc biệt, đối với thanh thiếu niên chưa dậy thì nên tránh mặc quần áo bó sát với cơ thể. Mặc quần áo ốm sát cơ thể lâu ngày sẽ ảnh hưởng nhất định đến xương chậu và cơ quan sinh dục, làm cho chức năng cảm giác của mông, đùi và bộ phận sinh dục ngoài bị suy giảm, đồng thời sự " hít thở" của làn da cũng bị hạn chế.