08:37 10/07/2023

Giữ niềm tin khách hàng và nhà đầu tư là điều cốt tử

Phan Anh

Trò chuyện với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc đại diện của Quỹ Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam, cho rằng dự án xe đạp 3D SuperStrata dừng hoạt động gây xôn xao cộng đồng, nhà đầu tư trong những ngày qua để lại nhiều kinh nghiệm cho cả nhà sáng lập, các startup và nhà đầu tư...

Giám đốc đại diện của Quỹ Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam, Lê Hàn Tuệ Lâm.
Giám đốc đại diện của Quỹ Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam, Lê Hàn Tuệ Lâm.

Các startup luôn có nhiều hơn một lựa chọn: hoặc cố gắng đến cùng, hoặc dừng lại. Những quan trọng hơn, dù chọn lựa thế nào, các startup cũng cần giữ lấy niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư. Bởi nếu nhà sáng lập đánh mất niềm tin của cộng đồng và nhà đầu tư thì khó có thể gọi được vốn ở những dự án tiếp theo.

Những ngày qua, giới khởi nghiệp và cộng đồng nhà đầu tư quan tâm đến khởi nghiệp Việt Nam xôn xao trước thông tin dự án xe đạp 3D SuperStrata của bà Lê Diệp Kiều Trang dừng hoạt động. Bên cạnh những ý kiến chia sẻ với những khó khăn thất bại của một dự án khởi nghiệp công nghệ mới cũng có không ít ý kiến phê phán, chỉ trích. Dưới góc nhìn của một chuyên gia quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp, quan điểm của bà về điều này như thế nào?

Mỗi quỹ đầu tư trước khi xuống tiền đều có những hợp đồng đầu tư, mua bán cổ phần, thỏa thuận với các điều khoản chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng được ký kết, trong đó nêu rõ mục tiêu sử dụng nguồn vốn, lộ trình hoàn thiện sản phẩm, phát triển kinh doanh, tăng trưởng, doanh thu và lợi nhuận… Các quỹ đầu tư sẽ yêu cầu startup thường xuyên báo cáo tiến độ triển khai thực hiện dự án. Với hình thức này, cả quỹ đầu tư hay nhà sáng lập đều được bảo vệ.

Dưới hình thức gọi vốn cộng đồng, dự án của Công ty TNHH Arevo Việt Nam (Arevo) do bà Lê Diệp Kiều Trang và chồng là ông Sonny Vũ thành lập, đã nhận được sự tham gia góp vốn của hơn 3.000 người với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, hợp đồng giữa startup với cá nhân sẽ không chặt chẽ như với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Mặc dù các nền tảng gọi vốn đều thể hiện rất rõ mục đích sử dụng tiền của nhà đầu tư trong phát triển hoàn thiện sản phẩm, kinh doanh, nhưng thực tế trong đầu tư mạo hiểm thường kèm theo tỷ lệ rủi ro rất lớn.

Một chiếc xe đạp của dự án bị lỗi được khách hàng phản ánh
Một chiếc xe đạp của dự án bị lỗi được khách hàng phản ánh

Cá nhân tôi cho rằng những người đã bỏ tiền đầu tư vào dự án đều đã có dự tính và chấp nhận rủi ro. Có điều sự khác nhau lớn nhất ở đây là kỳ vọng của nhà đầu tư. Chính điều này sẽ dẫn đến việc nhìn nhận, đánh giá một dự án có scam (lừa đảo) hay không.  Khi có sự chênh lệch quá lớn giữa kỳ vọng của nhà đầu tư, cũng là khách hàng đặt trước và chất lượng sản phẩm thực tế khi nhận được, dự án đó có thể coi là scam.

Nếu xét ở góc độ pháp luật, dự án Arevo không sai phạm bởi ngay khi gọi vốn cộng đồng, nhà sáng lập đã nêu rõ kế hoạch và mục tiêu phát triển sản phẩm. Nhà đầu tư cũng hoàn toàn tin tưởng uy tín của nhà sáng lập dự án và tự nguyện góp vốn. Startup vẫn hoàn thành nghĩa vụ, có sản phẩm giao đến tay người dùng cho dù chậm và chất lượng không như kỳ vọng mong đợi.

Ngay bản thân các quỹ khi đầu tư cũng có những dự án thất bại. Theo tôi, khi các nhà sáng lập đã cố gắng hết sức nhưng dự án vẫn thất bại thì đó là rủi ro mà nhà đầu tư phải chấp nhận.

Còn với các dự án lập ra với mục đích thiếu trong sáng, tôi tin rằng nhà sáng lập cũng hiểu cái giá phải trả khi dự án thất bại: đó chính là sự đánh mất niềm tin nơi nhà đầu tư, khách hàng và những người tin tưởng ủng hộ họ.

Tôi nghĩ cái giá đó đủ đắt để những nhà sáng lập có uy tín, hiểu biết cân nhắc rất kỹ khi đánh đổi. Thực tế, trước đó, vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang đã có một dự án Misfit Wearables phát triển và thoái vốn thành công 260 triệu USD. Đây là một dự án thành công và rất ít startup bán được với giá này.

Với dự án Arevo, nhà sáng lập đã cố gắng tạo ra sản phẩm nhưng sản phẩm có lẽ chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của nhà đầu tư và lời hứa của startup.

Từ thực tế kinh nghiệm của quỹ chúng tôi khi đầu tư vào lĩnh vực này ở Mỹ, xét về mặt kỹ thuật, với công nghệ in 3D, để in chính xác, tạo ra sản phẩm như bản vẽ trình bày là rất khó và mất rất nhiều thời gian, thậm chí cần 3-5 năm chỉ để cải thiện từng chi tiết trước khi ra sản phẩm hoàn hảo.

Theo bà, điều này đã để lại bài học gì cho startup cũng như ảnh hưởng thế nào nếu nhà sáng lập triển khai các dự án mới và gọi vốn trong tương lai? Bà có lời khuyên gì với các startup trong gọi vốn cũng như xử lý những tình huống khủng hoảng?

Tôi cho rằng nhà đầu tư không nên đặt kỳ vọng quá cao khi đầu tư vào các dự án giai đoạn sớm để không thất vọng khi dự án không thành công. Mặt khác các nhà sáng lập startup cũng không nên “vẽ” dự án quá đẹp và hứa hẹn vượt quá khả năng, phi thực tế với các nhà đầu tư khi gọi vốn cộng đồng, tránh tình trạng kết quả đạt được không như lời hứa và sự kỳ vọng.

Tôi tin rằng các nhà sáng lập Arevo đã cố gắng, nhưng thất bại luôn là điều khó khăn khi phải đối mặt dù là với nhà đầu tư hay nhà sáng lập. Nhìn theo khía cạnh cởi mở hơn, Arevo cũng là dự án tạo tác động xã hội tích cực, thu hút nguồn vốn và tạo việc làm. Nếu dự án thành công, có lẽ chúng ta đã có một công ty Việt thực sự nổi bật. Tuy nhiên, chúng ta đang nói về chữ “nếu”.

 
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm
Với mỗi startup, sự chính trực của người sáng lập là rất quan trọng trong mắt nhà đầu tư. Điều quan trọng nhất với các startup chính là sự thành thật trước cộng đồng, khách hàng và nhà đầu tư về những khó khăn, vướng mắc để cùng giải quyết. 

Điều quan trọng hơn là cách công ty giải quyết những khiếu nại đến từ khách hàng, cũng chính là những người tin tưởng ủng hộ từ ngày dự án bắt đầu. “Im lặng là vàng” có vẻ không đúng trong tình huống này. Dù biết chưa thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng trong ngày một, ngày hai, nhưng có thể tiếp nhận góp ý và gửi lời xin lỗi chân thành tới khách hàng vẫn luôn là cách tốt nhất để đối mặt với những tình huống thế này. Tại Nextrans, chúng tôi luôn đề cao các nhà sáng lập (founder) lấy khách hàng làm trung tâm.

Cả nhà đầu tư và nhà sáng lập đều nhận thấy rõ tỷ lệ startup thất bại rất cao. Thực tế ở Việt Nam đã có nhiều dự án startup thất bại do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận: nếu nhà sáng lập trong sáng, minh bạch, đã cố gắng mà dự án vẫn thất bại, thì cộng đồng, nhà đầu tư không đánh giá, phê phán quá nặng nề. Người sáng lập sẽ rút được nhiều kinh nghiệm quý từ sự thất bại này và vẫn có cơ hội gọi vốn đầu tư.

Còn với các dự án thất bại đến từ mục tiêu không trong sáng, có những “góc khuất”, lạm dụng niềm tin của nhà đầu tư, dự án gọi vốn, tiêu hết tiền và tuyên bố phá sản… thì sẽ rất khó chấp nhận, tha thứ. Khi nhà sáng lập đánh mất niềm tin của cộng đồng và nhà đầu tư sẽ khó có thể gọi được vốn ở dự án tiếp theo. Với mỗi startup, sự chính trực của người sáng lập là rất quan trọng trong mắt nhà đầu tư...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2023 phát hành ngày 10-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giữ niềm tin khách hàng và nhà đầu tư là điều cốt tử - Ảnh 1